Ngày 26/7, tại Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần ba tổ chức tại Quảng Ninh, thực trạng an toàn bức xạ đã được đề cập dưới nhiều góc độ cả quản lý nhà nước và ứng dụng.
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng An toàn bức xạ và hạt nhân, cho rằng thách thức lớn nhất trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ là nguy cơ thất lạc, mất nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và văn hóa an toàn. Các ứng dụng năng lượng nguyên tử đã phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhưng nhiều cơ sở chưa chú trọng công tác đảm bảo an toàn.
Trong ba năm 2015-2017, tốc độ đầu tư cho các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nhiều ngành tăng trưởng rất lớn, nhất là trong y tế và công nghiệp thể hiện qua số lượng giấy phép trong lĩnh vực này được cấp mới tăng lên đáng kể (khoảng 10%).
Diễn tập ứng phó sự cố an toàn bức xạ do Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên tổ chức năm 2016. Ảnh: Thế Bằng. |
Báo cáo thanh tra chuyên đề về an toàn bức xạ hạt nhân của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân 2017 cũng nêu về tình trạng xảy ra mất an ninh nguồn phóng xạ diễn biến phức tạp. Trong bốn năm liên tiếp từ 2014 đến 2017, có tới sáu vụ mất, bỏ rơi, không ai quản lý, chuyển giao bất hợp pháp nguồn phóng xạ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật của cơ sở chưa tốt; quá trình chuyển giao hoạt động giữa các chủ thể quản lý nguồn phóng xạ còn tùy tiện. Nhiều cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ nơi lỏng việc quản lý an toàn, an ninh hoặc không có đủ năng lực để thực hiện công tác này.
Hiện cả nước có hơn 600 cơ sở sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ với tổng số 5.400 nguồn phóng xạ. Trong số này có 2.000 nguồn đang sử dụng và hơn 3.000 nguồn đang được lưu giữ tạm thời. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đề xuất cần thanh tra đánh giá tình hình và đưa ra các biện pháp quản lý đảm bảo an toàn.