Những hàng hóa đi ngược xu hướng tăng giá

 Buổi chiều giữa tuần, chị Hương, công nhân may một công ty ở quận Tân Bình (TP HCM) ghé chợ gần nhà mua ít thực phẩm chuẩn bị bữa tối. Chị cho biết, giữa cơn bão giá, mua thứ gì cũng đắt, nhưng may mắn là thịt heo - món ăn phổ biến của mọi gia đình - lại giảm, giúp những người thu nhập thấp như chị cảm thấy vơi đi phần nào áp lực cho bữa ăn.

Ghi nhận của VnExpress tại các chợ TP HCM, giá thịt heo đã hạ nhiệt so với cách đây 1 tháng và giảm mạnh so với cùng kỳ 2021. Thịt heo ba chỉ giảm 30% xuống 125.000 đồng một kg, chân giò xuống 85.000 đồng, nạc dăm còn 90.000 đồng.

Giá thịt giảm do tuần qua, giá heo hơi điều chỉnh 1.000 đồng một kg xuống 52.000-53.000 đồng tại các tỉnh phía Nam và miền Trung. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, heo hơi lên 77.000 đồng một kg.

Người dân TP HCM đi mua sắm tại một siêu thị ở quận 3. Họ được phát phiếu mua hàng theo ngày chẵn lẻ, ngày 11/7/2021. Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress

Người dân TP HCM mua thịt heo tại một siêu thị ở quận 3. Ảnh: Quỳnh Trần

Giá thịt bò, cá nuôi cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, thịt bò nhập khẩu từ Australia, Mỹ giảm giá 15% so với cùng kỳ 2021. Bò Australia từ 330.000 đồng xuống 280.000 đồng một kg. Thăn bò Mỹ từ 300.000 đồng, hiện xuống 270.000 đồng một kg.

Với nhóm cá nuôi như cá lóc, điêu hồng cũng đang giảm mạnh và thấp hơn so với cùng kỳ 5.000-10.000 đồng mỗi kg. Nếu các năm trước, giá cá điêu hồng tại ao nuôi 40.000 đồng một kg, nay còn 33.000 đồng. Trong khi giá cá lóc tại ao nuôi giảm 10.000 đồng, hiện còn 27.000 đồng một kg.

So sánh giá một số loại thực phẩm thiết yếu, nông sản hiện tại với một năm trước. Đồ hoạ:Tạ Lư

So sánh giá một số loại thực phẩm thiết yếu, nông sản hiện tại với một năm trước. Đồ hoạ:Tạ Lư

Tương tự, giá nhiều mặt hàng nông sản cũng đang rớt mạnh. Thanh long tại vườn còn 3.000-7.000 đồng một kg, giảm 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mít thái giảm 50%, xuống 15.000-17.000 đồng một kg.

Ông Ẩn, người trồng mít ở Long An cho biết, nếu so với đầu năm, giá mít đang giảm 5.000 đồng mỗi kg, còn so với cùng kỳ 2021, giảm một nửa. Hiện thương lái không thu mua do chi phí vận chuyển tăng cao mà xuất khẩu khó.

"Giá thấp, chi phí sản xuất vụ mùa này lại đội lên gấp đôi trước đây khiến người trồng lỗ nặng", ông nói.

Ông Hùng, người trồng thanh long ở Hàm Thuận Bắc cho biết, vườn nhà ông có vài tấn thanh long đã chín đỏ nhưng không thấy thương lái ghé. Nhiều lần liên lạc nhưng họ cho biết, hàng xuất khẩu khó nên không thể mua số lượng lớn và chỉ lấy nhỏ lẻ với giá 1.000-3.000 đồng một kg.

Tương tự, giá bí đỏ, khoai lang cũng giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, dao động quanh mức 5.000-10.000 đồng một kg (giá tại vườn).

Mít tại nhà vườn ở miền Tây. Ảnh: Hồng Châu

Mít tại nhà vườn ở miền Tây. Ảnh: Hồng Châu

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho thấy, giá các mặt hàng nông sản khác như xoài, mít, thanh long, bưởi tiếp tục giảm thêm 2.000 đồng so với ngày trước đó và giảm mạnh so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân giá giảm mạnh, chị Phạm Thanh Mai, thương lái chuyên mua nông sản các tỉnh Tây Nguyên cho biết, xuất khẩu gặp khó là nguyên nhân chính dẫn tới giá các mặt hàng này đi ngược xu hướng chung.

"Trước đây, thanh long, bí và khoai trái vụ luôn có giá cao vì số lượng ít. Nhưng nay xuất khẩu khó khăn, sức mua trong nước yếu khiến giá giảm mạnh", chị Mai nói.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 80% thanh long xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Do đó, khi nước này kiểm soát chặt để phòng dịch Covid-19, mặt hàng này ùn ứ và ế ấm dẫn tới giảm dưới giá thành và người trồng thua lỗ.

Báo cáo mới nhất của hải quan cửa khẩu Lạng Sơn, tình hình thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh này vẫn còn chậm. Tính đến ngày 21/3, tổng số phương tiện chở hàng còn tồn trên địa bàn 1.004 xe, trong đó có 660 xe hoa quả, 344 xe hàng khác.

Đặc biệt, tại cửa khẩu Hữu Nghị có 9 xe phải quay đầu đa phần là mặt hàng trái cây như mít, thanh long, xoài... Trong ngày 21/3, không có xe hàng xuất khẩu nào tại cửa khẩu Hữu Nghị được thông quan. Riêng các cửa khẩu khác, mỗi ngày chỉ vài chục xe được qua.

Với nhóm mặt hàng thịt heo, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam cho rằng, giá giảm mạnh là do nguồn cung tăng cao. Trong khi đó, sức mua trên thị trường vẫn thấp, hiện mới phục hồi 75-80% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán heo hơi của người dân đang bằng hoặc thấp hơn giá thành vì chi phí thức ăn chăn nuôi và con giống tăng cao. Chỉ những hộ nuôi tự tạo ra con giống mới mong sản xuất có lời tại thời điểm này.

Với nhóm cá nuôi, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, từ đầu tháng 3 đến nay, nguồn cung tăng cao trong khi sức tiêu thụ giảm. Đặc biệt, dịch bùng phát, nhiều thương lái thu mua cá lóc cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố đã giảm mua bán.

Theo Sở này, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 257 lượt hộ thả nuôi cá lóc, trên diện tích 50,3 ha, với trên 27 triệu con giống, sản lượng ước thu hoạch 12.914 tấn, tăng hơn 3.200 tấn so với cùng kỳ. Theo đó, khả năng giá mặt hàng này sẽ còn đi xuống.

Thi Hà

Giày Đại Phát solution
Số người online:
3030
Số người truy cập:
8994286