Nguyên nhân động đất liên tiếp ở Kon Tum

 Từ chiều 23/8 đến sáng 24/8, ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra liên tiếp các trận động đất gây dư chấn dao động 2,5-4,7 độ richter. Trận đầu tiên độ lớn 4,7 gây rung chấn mạnh nhất ở Kon Tum từ trước tới nay. Người dân các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Ngãi và Đà Nẵng cảm nhận được sự rung lắc. 11 trận sau đó độ lớn 2,5-2,9; trận gần nhất xảy ra lúc 1h21 hôm nay độ lớn 2,5. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết trong vòng khoảng hơn 100 năm, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra một loạt trận động đất với khoảng gần 200 trận mới. "Tần suất các trận tăng lên đột biến", ông Xuân Anh cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Vật lý địa cầu trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ngày 19/4. Ảnh:Gia Chính

Thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cũng cho thấy các trận động đất trong quá khứ ở khu vực Kon Plông xảy ra ít, mức độ nhẹ, cao nhất chỉ ở mức 3,9 độ. Trận gần nhất với độ lớn 4,7 richter cao hơn với các trận trong lịch sử, song theo thang đo của thế giới là trận động đất ở mức trung bình.

Ông Xuân Anh cho biết, nhận định bước đầu là động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện. Hiện vẫn cần tiếp tục quan trắc hoạt động động đất, nghiên cứu các mạng trạm để đánh giá chi tiết, xem xét các đứt gãy ở khu vực cũng như vấn đề tích nước.

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều 23/8. Ảnh:Viện vật lý địa cầu

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn Viện Vật lý địa cầu, khẳng định hiện tượng động đất xảy ra liên tiếp ở Kon Tum, đặc biệt huyện Kon Plông, thuộc nhóm trận động đất kích thích. Ông cho biết, động đất kích thích được hiểu là do tác động của con người vào thiên nhiên gây ra động đất, chứ không phải động đất thiên nhiên như ở các khu vực phía bắc, do đới đứt gãy tự nhiên.

Theo PGS Phương, động đất kích thích có quy luật dễ hiểu, phần lớn xảy ra ở khu vực có hồ chứa hoạt động, nhất là hồ thủy điện hoặc hồ chứa tích nước lớn. Ông phân tích, khi hồ chứa tích nước, lượng nước gây ra sức ép lớn xuống đáy hồ, kết hợp với những đứt gãy địa phương (dù nhỏ), gia tăng ứng suất của cột nước lớn sẽ gây ra động đất kích thích.

Các trận động đất kích thích thường là một chu kỳ, xảy ra sau thời gian tích nước và thời kỳ mùa mưa. Khi đã lên một đỉnh nào đó sẽ bắt đầu nhỏ dần đi, thành chuỗi các trận động đất trung bình và vừa, sau đó tắt dần. "Thời gian tắt dần bao lâu sẽ cần phải nghiên cứu, phụ thuộc vào các trạm quan trắc địa phương, do ở những vùng khác nhau thì chu kì lặp lại cũng sẽ khác nhau", ông nói.

Các chuyên gia đều cho rằng rất khó dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Ngay cả Nhật Bản, các nhà khoa học cũng không biết được ngày mai có xảy ra hay không. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể dự báo được độ lớn của động đất ở khu vực đó, hay đạt mức cực đại là bao nhiêu.

Thuỷ điện thượng Kon Tum bị cho có liên quan động đất ở huyện Kon Plông. Ảnh:Trần Hoá

Các nhà khoa học đề xuất thiết lập các trạm quan trắc động đất địa phương để ghi nhận số lượng trận nhằm dự báo tiến trình, mức độ trong tương lai. Theo PGS Phương, việc xây dựng mạng trạm phải đủ dày và cần thời gian nhất định, có thể là hàng chục thậm chí hàng trăm năm, để đo được xu thế và dự báo được tần suất của các trận động đất kích thích. TS Xuân Anh thông tin thêm, hiện khu vực huyện Kon Plông và phụ cận thiết lập 6 trạm, có thể trong vài tuần tới sẽ vận hành.

Các chuyên gia đề xuất chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho người dân, nâng cao hiểu biết và học cách ứng phó để chủ động và không sợ hãi, hoang mang. Phía Viện Vật lý địa cầu sẽ phối hợp tổ chức lớp tập huấn, kỹ năng ứng phó ở những vùng thường xuyên xảy ra.

Hồi tháng 5, UBND tỉnh Kon Tum từng đề nghị Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh lắp thêm 5 trạm quan sát để theo dõi chính xác, đầy đủ các trận động đất đang gia tăng.

Trong đó thủy điện Thượng Kon Tum chủ đầu tư Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, được thiết kế xây dựng trên sông Đăk Snghé (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng huyện Kon Plông). Nhà máy nằm trên sông Đăk Lô tại xã Đăk Tăng và Ngok Tem của huyện Kon Plông. Công trình khởi công tháng 9/2009 và đưa vào vận hành cuối năm 2020, gồm 2 tổ máy với công suất thiết kế 220 MW. Thủy điện tích nước với 106 triệu m3, dung tích toàn bộ hồ chứa trên 145 triệu m3 nước.

Dự án thủy điện Đăk Đrinh, chủ đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh triển khai từ năm 2007, nhà máy có công suất 125 MW. Đập tạo hồ chứa nước đặt trên dòng Đăk Đrinh ở xã Sơn Dung và Sơn Mùa, phía tây huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Hồ nước của thủy điện này có phần lớn diện tích nằm trên địa phận phía đông huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum, dung tích 249,3 triệu m³.

Như Quỳnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6303
Số người truy cập:
8518253