Không riêng gì một hai nơi mà hầu như hàng trăm, hàng ngàn cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước ở các tỉnh miền Tây lại thích cái tấm bảng xanh với những “mỹ từ văn hóa” này. Không chỉ có cơ quan mà nhà dân hiện nay cũng bị chính quyền địa phương “phát bảng thu tiền” với nội dung “Gia đình văn hóa” để đóng vào cột hàng ba hay bức tường trước nhà chắc là để phân biệt nhà nào có “văn hóa” và nhà nào không có “văn hóa”?
(Theo Tuổi trẻ cười)
Một ông bạn đồng nghiệp của Róm cho biết do chưa có gia đình nên chỉ sống chung với mấy con chó, nhà suốt ngày đóng cửa vì phải đi tác nghiệp nên cuối năm chính quyền địa phương đưa cho một tấm bảng rồi thu 9.000 đồng để hợp thức hóa một ngôi nhà “văn hóa” vì không vi phạm các tiêu chí của khóm phường đưa ra. Bạn tôi bảo: “Gia đình tớ mà không văn hóa mới là sợ vì không vi phạm nội dung vận động trẻ ra lớp, không có tệ cờ bạc, gia đình sống hạnh phúc (?) vì không nghe tiếng cự cãi bởi tớ đâu có cự lộn với… mấy con chó bao giờ”. Nếu tính ra mỗi “biển hiệu văn hóa” giá vài ngàn đồng thì số tiền chi cho cái “văn hóa” theo kiểu bệnh thành tích như thế này phải mất đến tiền tỉ.
Đối với các cơ quan, mặc dù phía trước treo bảng “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa” nhưng nhiều cán bộ hiện nay thường xuyên đi trễ về sớm và đặc biệt là mấy em, mấy chị luôn ăn mặc… “thừa thịt thiếu vải” và hay nhai nhóp nhép thức ăn hoặc kẹo cao su khi tiếp xúc với dân. Còn cánh mày râu thì ăn mặt xốc xếch, có hôm vào cơ quan mà mùi rượu bia cứ “bốc hơi” nồng nặc như đang chứa phải một hũ hèm. Nói chuyện điện thoại với nhau thì khỏi phải nói, bởi nhiều ông luôn văng tục chửi thề, bàn chuyện mấy em “chân dài tới nách” ở quán “tươi mát” ngay trước mặt bàn dân thiên hạ giống như đang nói chuyện một mình trong vườn nhà của mình vậy. Bệnh thành tích không chỉ riêng ở lĩnh vực cơ quan, gia đình cho đến ấp, khóm, làng, xã “văn… hóa quá” mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Ở tỉnh Cà Mau, trường tiểu học Hùng Vương (TP Cà Mau) được công nhận đạt chuẩn quốc gia thì nhà trường liền thay tên từ “Trường tiểu học Hùng Vương” sang “Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia Hùng Vương” để “lấy le” với bàn dân thiên hạ. Một trong những bệnh thành tích lớn nhất trong ngành giáo dục hiện nay là nhiều tỉnh báo cáo đã hoàn thành công tác phổ cập THCS, nhưng thực tế không phải vậy. Có nhiều lớp phổ cập được tổ chức cho có để rút kinh phí chi xài, nhưng thực tế lớp học không tồn tại.
Và vì vậy khi tổ chức thi thì mượn các em học sinh đang học phổ thông nhảy vào làm bài theo kiểu “sao y bản chính” từ những đáp án được ghi trên bảng. Mới đây, lãnh đạo một trung tâm xúc tiến việc làm ở vùng bán đảo Cà Mau cho rằng nghe nói địa phương họ đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS, nhưng số thanh niên nộp hồ sơ xin việc làm mà có đủ trình độ học vấn đến lớp 9 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhắc đến 4 chữ “đạt chuẩn quốc gia”, Róm tôi lại nhớ đến “phong trào” của các trạm y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long đua nhau chạy theo thành tích để mong “đạt chuẩn”.
Trong đó có một tiêu chí là trạm y tế phải có vườn thuốc Nam với các loại cây A, B, C, E, F… gì đó mới đủ “chuẩn”. Tuy nhiên, ghé vào vườn thuốc nam của nhiều trạm y tế sẽ thấy hầu hết các cây thuốc đều héo úa, không được quan tâm sau khi cơ sở y tế này đã được công nhận “đạt chuẩn quốc gia”. Mới đây, Róm tôi còn sưu tầm được một bệnh thành tích mới và khá lạ ở vùng sông nước Cửu Long này, đó là hình thức để lấy “thành tích” hay còn gọi là “lấy điểm” đối với cơ quan chủ quản: Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau có “sáng kiến” thưởng ngược cho cấp trên là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, với hình thức “khen thưởng ngược”. Kèm theo quyết định này, 33 cán bộ cấp trên đã được cấp dưới “biếu” 200.000 đồng/người mà không nêu lý do gì ráo trọi. Đúng là một kiểu “bệnh thành tích mới” chỉ có ở Cà Mau.