Lãnh đạo Big C khẳng định 95% hàng hóa ở Big C là hàng Việt và sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này

 

Lãnh đạo Big C khẳng định 95% hàng hóa ở Big C là hàng Việt và sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này

 
 

Chiều 5/10, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, đã có buổi chia sẻ độc quyền với Cafebiz một số thông tin liên quan đến hệ thống siêu thị Big C và mối quan hệ hợp tác giữa Central Group và Nguyễn Kim, công ty điện máy mà Central Group đang sở hữu 49%.

"Hệ thống siêu thị Big C đã có mặt tại Việt Nam hơn 18 năm nay, hiện đang quản lý 33 siêu thị Big C, 30 trung tâm thương mại tại 20 tỉnh thành trên toàn quốc. Hiện 95% hàng hóa bán trong các siêu thị Big C của chúng tôi là hàng Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược kinh doanh này - vốn đã là nền tảng làm nên sự thành công của Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam trong thời gian qua", ông Nguyên cho biết.

Theo ông Nguyên, con đường dẫn đến thành công quy mô quốc tế của Central Group dựa trên việc đầu tư hợp tác cùng các đối tác địa phương và không ngừng cải thiện và nâng cao mối quan hệ hợp tác này. Trên nền tảng đó, thương vụ Big C Việt Nam tiếp tục được xây dựng trên cam kết duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng. Từ đó, hướng đến sự phát triển trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, đặc biệt chú trọng việc sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa tại Hệ thống siêu thị Big C.

Thời gian qua, sau khi đổi chủ, BigC gặp khá nhiều lùm xùm trong việc hợp tác với các nhà cung ứng nội.

Cụ thể, trong công văn gửi hệ thống siêu thị Big C vào cuối tháng 4, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chuỗi siêu thị này đã đòi hỏi mức chiết khấu rất cao cho đợt ký kết hợp đồng mới, trung bình từ 17-25%, vượt ngưỡng có thể tồn tại của doanh nghiệp.

"Đây là những mức rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư", công văn này nêu rõ.

Cũng theo VASEP, ngoài chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm, hiện các nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị như mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi… Ngoài ra, doanh nghiệp thủy sản cũng phải chấp nhận tỷ lệ khoán “hàng hư hỏng 1%” do Big C đơn phương áp dụng.

Một diễn biến khác, mới đây chuỗi 22 cửa hàng Thế giới di động trong BigC cũng phải đóng cửa. Lý do được đại diện TGDĐ chia sẻ là bởi chủ sở hữu mới của BigC, Central Group đã mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim, và đây sẽ là đơn vị kinh doanh các mặt hàng tương tự TGDĐ trong hệ thống BigC.

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện này, ông Quốc Nguyên xác nhận, Central Group bắt đầu hợp tác chiến lược với điện máy Nguyễn Kim từ tháng 1/2015.

Về kế hoạch Central Group đầu tư vào bất động sản, ông Nguyên chưa có thông tin về dự án này.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
124780
Số người truy cập:
7427464