Lạm phát - áp lực ẩn sau mức tăng trưởng kỷ lục của GDP

 Số liệu tăng trưởng kinh tế quý II vừa được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, là mức cao nhất từ năm 2011 đến nay. Kết quả này giúp GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, cao nhất trong ba năm chịu ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, tăng trưởng không phải là nội dung được quan tâm nhất sau khi GSO công bố số liệu, mà là lạm phát.

% Tăng trưởng GDP theo quý trong một thập kỷQ1/2011Q3/2011Q1/2012Q3/2012Q1/2013Q3/2013Q1/2014Q3/201Q1/2015Q3/2015Q1/2016Q3/2016Q1/2017Q3/2017Q1/2018Q3/2018Q1/2019Q3/2019Q1/2020Q3/2020Q1/2021Q3/2021Q1/2022-7.5-5-2.502.557.510VnExpress Q2/2014 GDP (%): 5.34

"Bóng ma" lạm phát trở lại trên toàn cầu. Lạm phát tại Anh lên cao nhất 40 năm. Lạm phát tại Mỹ cũng ở đỉnh bốn thập kỷ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, mức độ tăng của giá cả còn lên tới 73%. Việt Nam, nền kinh tế có độ mở gần 200% GDP, từng được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng không kém. Tuy nhiên, cùng con số tăng trưởng kỷ lục, lạm phát trong nửa đầu năm nay, thời điểm mà các nền kinh tế lớn khốn đốn, vẫn trong phạm vi "kế hoạch".

Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Mức tăng này không chỉ khác với các nền kinh tế phát triển, mà cũng khác với cảm nhận của người tiêu dùng, khi giá cả nhiều loại hàng hóa gần đây tăng không dưới hai chữ số.

Tại sao lại có sự khác nhau? Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê, nêu câu hỏi trong buổi họp báo và không dưới ba lần khẳng định phương pháp tính CPI của Việt Nam là theo chuẩn quốc tế, hàng năm đều được rà soát bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Người dân TP HCM mua hàng tại một siêu thị. Ảnh: Quỳnh Trần

CPI của Việt Nam được tính toán dựa trên việc quan sát biến động giá của 750 mặt hàng đại diện, với hơn 4.000 điểm lấy giá tại 63 tỉnh thành. Lý do số tương đối tăng không cao chủ yếu do sự khác biệt về quyền số trong rổ hàng hóa tính CPI, theo Tổng cục trưởng Thống kê.

Ví dụ, xăng dầu tăng giá ảnh hưởng rất lớn với lạm phát của các nước phát triển bởi chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa (8-10% tại Mỹ, còn châu Âu trên dưới 7%). Trong khi đó, tại Việt Nam, mặt hàng này chỉ chiếm gần 3,6%.

Ngoài ra, CPI thế giới tăng cao một phần còn do giá lương thực, do căng thẳng Nga - Ukraine. Nhóm lương thực chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam, nhưng các mặt hàng được xem xét đều có mức tăng thấp, hoặc giảm, như giá gạo hay thịt lợn. Tính chung 6 tháng, nhóm lương thực trong rổ hàng hóa tính CPI giảm 0,4% so với cùng kỳ.

Ngoài Việt Nam, một số quốc gia khác trong khu vực cũng ghi nhận con số lạm phát thấp. Trong 42 nền kinh tế lớn được The Economist khảo sát, 8 nơi có lạm phát dưới 4%, sáu trong số này ở Đông Á hoặc Đông Nam Á. Sự khác biệt trong rổ hàng hóa tiêu dùng là một phần lý do. Ví dụ như gạo và lúa mỳ, giá gạo tăng 8% kể từ khi Nga tổ chức chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong khi giá lúa mỳ tăng đến 17%.

Tuy mức tăng tương đối không cao, ảnh hưởng của lạm phạt lại ngày càng rõ hơn. Lạm phát thực tế đã tác động ngay từ con số tăng trưởng kỷ lục của quý II.

GDP tăng cao là điều đã được dự báo bởi mức nền thấp sau hai năm ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, nếu bóc tách con số này, tăng trưởng kinh tế quý II cao nhất thập kỷ phụ thuộc chủ yếu vào sự phục hồi của khu vực dịch vụ. Trong quý II, khu vực này tăng 6,6%, đóng góp gần 47% vào mức tăng chung của nền kinh tế. Mức tăng này cao hơn 2% so với cùng kỳ. Ngược lại, nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp - xây dựng đều tăng thấp hơn.

% Tăng trưởng các khu vực kinh tếQuý II/2021 và quý II/2022Quý II-2022Quý II-2021Nông, lâm nghiệp và thủy sảnCông nghiệp và xây dựngDịch vụ02.557.51012.5VnExpress | Tổng cục Thống kê Công nghiệp và xây dựng Quý II-2021: 10.28

Một trong những áp lực lên tăng trưởng của hai khu vực đầu tiên là chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II tăng gần 2,2% so với cùng kỳ. Với khu vực công nghiệp, mức tăng còn lớn hơn với 5,11%.

Nếu tính riêng biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất, quý II tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất thập kỷ.

Không chỉ sản xuất, sức mua của người tiêu dùng cũng đang dần bị ảnh hưởng. Con số lạm phát không đột biến do tổng thể tính toán của nhiều cấu phần, ngoài giá lương thực, một số dịch vụ như giáo dục hay bưu chính viễn thông cũng thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, giá hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng đang tăng nhanh do tác động của giá xăng, dầu. Hiệu ứng "lạm phát tâm lý" cũng đang khiến thị trường biến động.

Trong rổ tính chỉ số CPI, nhóm giao thông trong riêng tháng 6 tăng hơn 21% và tính chung 6 tháng đã tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Hiệu ứng giá xăng, dầu cao được dự báo sớm ảnh hưởng mạnh tới những số liệu ở mức độ vĩ mô.

Người đứng đầu cơ quan thống kê cũng cho rằng "lạm phát trong giai đoạn hiện tại là không lường được và kịch bản ở mức dưới 4% trong năm nay rất khó khăn".

Trong nửa cuối năm, tác động của lạm phát được đánh giá sẽ còn phức tạp hơn khi các yếu tố chi phối vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Hiệu ứng của giá năng lượng neo ở mức cao sẽ càng lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Theo tính toán của GSO, giá xăng dầu tăng 10% có thể làm CPI tăng 0,36%. Với sản xuất, ảnh hưởng của chi phí giá nguyên vật liệu tăng thường có độ trễ do chu kỳ sản xuất và quy mô hàng tồn kho. Theo đó điểm rơi của các ảnh hưởng có thể trong cuối năm nay.

Giá lương thực, yếu tố kìm hãm đà tăng trong rổ tính toán CPI trong 6 tháng đầu năm, đang có xu hướng tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng tăng.

"Nhóm hàng lương thực có quyền số lớn trong rổ tính toán CPI nên biến động giá sẽ có ảnh hưởng mạnh tới lạm phát", đại diện GSO cho biết. Đơn cử, nhóm hàng thịt lợn, sau thời gian giảm đã bắt đầu nhích tăng trở lại. Khi giá thịt lợn tăng, giá hàng hoá chế biến cũng tăng theo.

Lo ngại về rủi ro lạm phát ở Việt Nam gần đây cũng được nhiều tổ chức quốc tế đề cập. IMF dự báo chỉ số này đạt 3,9% cuối năm nay, còn Standard Chartered Bank đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt mức 5,5% vào 2023. Nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng khó giữ mục tiêu lạm phát 4%.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright cũng đánh giá lạm phát là đáng ngại. "Tất cả các yếu tố bên ngoài này đang đi cùng hướng là làm giảm tăng trưởng toàn cầu. Chúng ta phụ thuộc nhiều vào kinh tế bên ngoài nên bất kỳ sự suy thoái nào cũng ảnh hưởng đến Việt Nam", ông nói.

Minh Sơn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4135
Số người truy cập:
8980644