Một người tắm trong một hồ nước gần Abu Dhabi ngày 25-12-2010 - Ảnh: Le Figaro |
Chủ tịch Công ty Meteo Systems International (MSI) ở Thụy Sĩ, ông Helmut Fluhrer, thừa nhận công ty “đang thử nghiệm một công nghệ mới để tạo mưa nhân tạo, gọi tắt là WeatherTec, trong khu vực từ Al Ain đến Abu Dhabi”. Ông nói đã thử nghiệm mưa nhiều lần hồi tháng 6-2010.
Thay vì gây mưa cho các đám mây bay trên trời với clorua bạc, vốn là một phương pháp thô sơ được sử dụng tại Trung Quốc hoặc Israel, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã lắp đặt ở sa mạc các ô che nắng kim loại cao khoảng chục mét, có khả năng nạp điện cho không khí.
Ô che nắng sản sinh các ion âm và gửi chúng vào không khí. Những hạt này có khả năng tích tụ bụi tổng hợp, vốn tạo ra một môi trường lý tưởng cho sự ngưng tụ của nước tự nhiên trong không khí. Sự hình thành của nhiều tỉ giọt nước nhỏ có thể tạo thành một đám mây, và đó là nguồn gốc của mưa. Các thiết bị được bật lên 74 lần trong 112 ngày - khi độ bão hòa không khí trong nước vượt quá 30% - đã tạo ra mưa 52 lần. Lượng nước mưa này không được tiết lộ.
Công ty MSI cho biết công nghệ tạo mưa này có thể thay thế các nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt hiện rất tốn kém. Theo tính toán của MSI, sản xuất 100 triệu m3 nước ngọt chỉ tốn 9,3 triệu USD mỗi năm, rẻ hơn nhiều so với 70,4 triệu USD đối với một nhà máy lọc nước biển.
N.T.ĐA (Theo Le Figaro)