Kinh nghiệm chống rác thải nhựa

 Bà Darina, từ tổ chức Enviu (Indonesia) giới thiệu mô hình Zero Waste Living Lab tại hội thảo "Thúc đẩy tái sử dụng, tái nạp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" do Liên Minh Không rác Việt Nam phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức trực tuyến sáng 18/3.

Enviu ươm tạo mô hình kinh doanh, nhân rộng các giải pháp nói không đồ nhựa dùng một lần tại các nhà hàng, khách sạn. Thay vào đó, họ xây dựng 4 chương trình doanh nghiệp giảm chất thải nhựa ngay tại nguồn bằng việc tái sử dụng, nhất là chất thải trong ngành dệt may. Hiện mô hình đang được triển khai tập trung ở Malaysia và Indonesia - quốc gia ô nhiễm thứ hai trên thế giới.

Còn Brittany Gamez, chuyên gia của Musse (Canada) đưa ra phương án sử dụng thu gom rác thải nhựa tại nhà, sau đó phối hợp doanh nghiệp tái sử dụng rồi đưa quay trở lại tới người dùng. Sáng kiến sử dụng tiêu chuẩn PR3 được xây dựng như một hệ thống gồm các bước từ thu gom, làm vệ sinh sản phẩm thông qua phân phối bên thứ 3 để tái sử dụng, cho phép nhiều doanh nghiệp dễ dàng kết nối.

Brittany mô tả dự án như "thùng rác thứ 4", ở đó tiền đặt cọc từ khách hàng sẽ được trả lại sau khi các đồ nhựa của họ được khử trùng, làm sạch để quay vòng lại hành trình tái sử dụng.

Chuyên gia mách các sáng tạo chống rác thải nhựa

Diễn giả Brittany Gamez của chương trình "Musse" chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.

Cô cho biết các quốc gia phát triển đã nâng cao nhận thức cho người dùng bằng việc làm rõ họ sẽ góp ích được gì nếu bảo vệ môi trường. Brittany thêm rằng, họ quản lý việc sử dụng đồ thông qua các app với cơ sở dữ liệu được lập trình, đồng thời đưa ra các khuyến khích để người dân tham gia vào việc tái sử dụng.

Hạn chế việc sử dụng nhựa nguyên sinh ngay từ đầu là giải pháp được Marian Ledesma đến từ Greenpeace đưa ra. Chuyên gia của Phillippines cho rằng giải quyết tác động từ ô nhiễm chất thải nhựa phải bắt đầu từ "thượng nguồn" bằng việc ban hành quy định cấm hoặc giảm sản xuất nhựa trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. "Cần phải chứng minh được sản phẩm ít thải ra hoặc có thể sử dụng nhiều lần mà không tạo ra rác thải nhựa", Marian nói. Cô nhấn mạnh cần chính thức hóa thuật ngữ tái sử dụng, trong đó tổ chức chiến dịch kết nối tạo ra cộng đồng cùng nhau chia sẻ, truyền thông nâng cao nhận thức.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều đồng tình, phải nâng cao nhận thức ngay trong cộng đồng về vấn đề tái sử dụng nhựa. Đến từ quốc gia có nhiều tương đồng, gần gũi với Việt Nam, Marian thừa nhận rất khó để người dân chủ động mang sản phẩm đi tái sử dụng bởi điều này phụ thuộc vào nhận thức ở từng quốc gia.

Giải pháp đưa ra là cần điều chỉnh mô hình phù hợp với từng địa phương, cộng đồng để xác định can thiệp nào mang lại tác động tốt nhất. Theo Marian, cần xác định họ có sẵn sàng tham gia chiến dịch đó không và phải hành động thân thuộc, gần gũi nhất với mọi người. Cô dẫn ví dụ về một cửa hàng bánh mì sử dụng bao bì đồ đựng bằng song mây hay dùng các bình chứa tái sử dụng để hạn chế rác thải nhựa. "Cần phải bắt đầu từ chính xu hướng về văn hóa, gần gũi và thân thuộc nhất với họ", cô nói.

Khi được hỏi làm thế nào thu hút khách hàng tham gia, Marian gợi ý việc chiết khấu cho người dùng bao bì sử dụng lại. "Chúng tôi có thể khuyến khích mỗi lít sản phẩm tẩy rửa tái nạp có thể đổi lấy 20ml miễn phí", cô nói.

Ông Nhân Nguyễn, Đại học RMIT, cho rằng cần truyền cảm hứng cho hành động giảm chất thải nhựa thông qua quảng bá, truyền thông. Ông nói đây là kênh tiếp cận tốt bởi mọi người có thể thay đổi rất nhanh tại Việt Nam.

Ông dẫn minh chứng từ câu chuyện sử dụng mũ bảo hiểm và nhấn mạnh một khi quyết tâm sẽ thực hiện được. "Nếu chúng ta tiết kiệm 2 tấn nhựa thải ra môi trường thì có nghĩa đã tiết kiệm được rất nhiều tiền để làm sạch số rác thải này", ông ví dụ. Nhân Nguyễn là tác giả ý tưởng Refill - một trong 4 ý tưởng thắng cuộc tại thử thách sáng tạo chống rác thải nhựa năm 2021 của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).

Như Quỳnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
53953
Số người truy cập:
7306998