Theo số liệu thống kê, đến nay tỉnh Tây Ninh có 83 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh. Công tác tu bổ, chống xuống cấp các di tích được toàn tỉnh coi trọng.
Qua 5 năm thực hiện việc phân cấp quản lý di tích, tỉnh Tây Ninh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ tỉnh đến cơ sở đã thống nhất, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý di tích trên địa bàn; thành lập các Ban quản lý di tích ở hầu hết các di tích được xếp hạng. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các Ban quản lý cũng như cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Công tác phát huy các giá trị di tích cũng được thực hiện thường xuyên. Các lễ hội được phục hồi và hoạt động theo đúng pháp luật, được tổ chức thường xuyên, đáng chú ý là các lễ hội như: Hội Xuân Núi Bà, Động Kim Quang, Về nguồn tại Trung ương Cục; thường xuyên tiến hành kiểm tra các lễ hội và thực hiện các đề tài nghiên cứu về lễ hội trên địa bàn. Trong năm 2012, tỉnh có 2 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc và Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (cùng 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam).
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm việc với Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa- danh thắng Núi Bà Đen
Xã hội hóa hoạt động giáo dục truyền thống ngày càng thu hút sự quan tâm của quần chúng nhân dân, phổ biến hình thức nhà truyền thống, bia tưởng niệm từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, địa bàn hoạt động được mở rộng đến cơ sở.
Trong giai đoạn 2008-2013, tỉnh đã đầu tư tu bổ 15 di tích với tổng kinh phí là 122 tỷ 458 triệu đồng. Riêng khu di tích lịch sử văn hóa- danh thắng và du lịch Núi Bà Đen giai đoạn 2009-2012 là 13 tỷ 635 triệu đồng.
Kiểm tra thực tế công tác tổ chức lễ hội tại Núi Bà Đen, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành chức năng đã đưa lễ hội đi vào nề nếp, văn minh. Thứ trưởng cũng lưu ý Ban quản lý di tích cần thực hiện đúng theo hướng dẫn tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo kết luận số 51-KL/TW ngày 27/7/2009 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc lễ hội; Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức Lễ hội; Công văn số 4449/BVHTTDL ngày 05/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2014; Thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, thu lợi bất chính và các biểu hiện không lành mạnh tại di tích; có hướng dẫn, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh, phòng, chống cháy nổ đối với các di tích; tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra thiết bị và hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các trọng điểm, cần hạn chế và quản lý nghiêm hiện tượng đốt đồ mã; thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội, đảm bảo vệ sinh môi trường, rác thải trong lễ hội (nhất là lối thoát hiểm, các nhà vệ sinh phục vụ du khách ).
Lễ công bố thành lập thành phố Tây Ninh
Buổi tối cùng ngày, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và đoàn cũng đã tham dự Lễ công bố thành lập thành phố Tây Ninh.
Theo vhttdlkv3.gov.vn