Khuôn mặt vị vua chạm khắc dưới chân kim tự tháp 4.200 năm

 Các chuyên gia phát hiện hình chạm khắc nghi là chân dung của một vị vua dưới chân kim tự tháp Thạch Mão. Ảnh: SCMP

Với chiều cao hơn 70 m, kim tự tháp Thạch Mão ở thành phố Thần Mộc, tỉnh Thiểm Tây, cao bằng khoảng 1/2 các kim tự tháp Giza được xây dựng cùng thời ở Ai Cập. Nhưng khác với nhiều kim tự tháp cổ đại phục vụ mục đích tôn giáo, Thạch Mão có công dụng thiết thực. Trên đỉnh kim tự tháp 4.200 năm tuổi này là một cung điện rộng hơn 80.000 m2 - tương đương 10 sân bóng đá.

Các nhà khảo cổ đã khám phá những cấu trúc phức tạp trong cung điện, trong đó có một hồ nuôi cá sấu. Cung điện nhìn ra thành phố rộng lớn có tường bao quanh - lớn gấp 50 lần cung điện - với các sân chung, đường phố và quảng trường công cộng đều xây bằng đá. Phân tích ADN cho thấy phần lớn cư dân thành phố là người Trung Quốc. Tuy nhiên, nền văn minh cổ đại này dường như đã biến mất đột ngột cách đây khoảng 3.800 năm.

Dưới chân kim tự tháp Thạch Mão, các nhà khảo cổ tìm thấy tác phẩm nghi là chân dung của một vị vua được tạc vào đá, SCMP hôm 9/8 đưa tin. Nó thuộc cụm tác phẩm chạm khắc đá dài 2 m gồm ba khuôn mặt. Những khuôn mặt này đeo hoa tai, có biểu cảm uy nghiêm, mắt hơi lồi và miệng rộng với hàm răng lộ rõ, theo giáo sư Shao Jing tại Viện Khảo cổ Thiểm Tây, đội phó của nhóm khai quật Thạch Mão.

Shao cùng đồng nghiệp tin rằng khuôn mặt với "họa tiết hình vòng cung bên ngoài mắt" khắc họa một vị vua. "Khuôn mặt phía đông dường như nằm ở trung tâm của cả cụm và có thể là chân dung vị vua của Thạch Mão", ông cho biết.

Kim tự tháp Thạch Mão nhiều khả năng có mối liên hệ với những nền văn minh đã sụp đổ khác trên thế giới, theo giáo sư Sun Zhouyong tại Viện Khảo cổ Thiểm Tây, trưởng nhóm khảo cổ. "Tàn tích bao gồm những cấu trúc đá cổ xưa hiếm thấy ở Trung Quốc, những bức tường thành vẫn còn đứng vững và một nền đá cao cho cung điện hoàng gia. Nơi này có nhiều điểm chung với thành phố Mohenjo-Daro thuộc nền văn hóa Harappan ở thung lũng Indus (thuộc Pakistan ngày nay), và thành phố Ur ở Mesopotamia (thuộc Iraq ngày nay)", ông nói.

Các đồ tạo tác tại Thạch Mão, ví dụ ngọc bích và nhạc cụ, cũng được tìm thấy ở hơn 100 nơi khác trên thế giới. Điều này cho thấy có thể có sự giao lưu thường xuyên với các nền văn hóa khác. "Có khả năng từng tồn tại một mạng lưới liên lạc hiệu quả giữa những thành phần ưu tú trong thế giới cổ đại hơn 4.000 năm trước", Sun nhận định.

Thu Thảo (Theo SCMP)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13234
Số người truy cập:
9258249