Khởi động cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023

 Cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest) do VnExpress tổ chức với mong muốn tạo sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên, tuổi dưới 40, nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp, sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống. Đây là năm thứ 2 cuộc thi được tổ chức.

Chương trình được kỳ vọng khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, tạo động lực cho việc nghiên cứu và ứng dụng các sáng kiến phục vụ đời sống.

Tổng giá trị giải thưởng năm nay được nâng lên 300.000 triệu đồng cho các giải đặc biệt, nhất, nhì, ba, khuyến khích. Năm nay cuộc thi cùng có thêm hạng mục thu hút các sáng kiến áp dụng cho vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (thứ 8 từ trái qua) chụp ảnh cùng đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo và các tác giả 7 sáng kiến. Ảnh: Tùng Đinh

Cuộc thi sẽ bắt đầu nhận sản phẩm từ 18/11 đến tháng 3/2023, gồm các lĩnh vực: y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Cuộc thi với 4 giai đoạn: Vòng nhận hồ sơ, vòng sơ loại, vòng chung kết và lễ trao giải.

Ở vòng sơ loại, độc giả VnExpress sẽ bình chọn giải pháp, sản phẩm mà họ yêu thích. Những sáng kiến có lượt bình chọn cao và được Hội đồng giám khảo lựa chọn sẽ vào chung kết theo tỷ lệ (40-60). Thành viên Ban giám khảo là những nhà khoa học danh tiếng của Việt Nam. Ở vòng chung kết, các đội sẽ thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng giám khảo, đồng thời được tính điểm từ phần bình chọn của khán giả (tỷ lệ 80-20).

Cơ hội của cuộc thi dành cho các giải pháp/sản phẩm xuất sắc, đang trong giai đoạn chạy demo hay thử nghiệm, hoặc đã được ứng dụng trên thức tế, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ban tổ chức không chấp nhận sản phẩm đã đoạt giải tại Sáng kiến Khoa học 2022 và các cuộc thi khác.

Mọi cá nhân hoặc nhóm cá nhân độ tuổi dưới 40 ở mọi ngành nghề đều có thể tham gia. Trong đó, người dưới 18 tuổi cần có xác nhận của người giám hộ hợp pháp (đối với cá nhân hoặc nhóm cá nhân tự phát), hoặc tổ chức, trường học (đối với nhóm cá nhân thuộc tổ chức, trường học). Người có sản phẩm dự thi phải là công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam. Cá nhân, nhóm cá nhân phải là chủ sở hữu của sản phẩm đăng ký tham dự cuộc thi này.

Yêu cầu giải pháp/sản phẩm dự thi được mô tả bằng văn bản và video (giới thiệu công trình), trong đó có tính mới, sáng tạo, hiệu quả kinh tế và khả năng áp dụng thực tế.

Tác giả được giải sẽ nhận phần thưởng là tiền mặt và các lợi ích khác như cơ hội được truyền thông trên các nền tảng của Báo điện tử VnExpress, được kết nối tới các đối tác quan tâm để phát triển, hoàn thiện, kinh doanh sản phẩm.

Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là một quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.

Ở mùa 1 có 7 sáng kiến được trao giải. Trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất trị giá 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy (trái) trao cho đại diện nhóm tác giả giải đặc biệt mùa 1. Ảnh:Đinh Tùng

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy từng phát biểu tại Lễ trao giải Sáng kiến Khoa học mùa 1, nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về công nghệ, vì thế thúc đẩy các sáng kiến trong giới trẻ là cần thiết. Ông đánh giá sự kiện mang tính khích lệ, với bối cảnh cạnh tranh khoa học trên toàn thế giới, người trẻ có động lực quan tâm đến khoa học công nghệ, tự nhiên thay vì quan tâm đến kinh tế, thương mại như trước đây.

Như Quỳnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
51886
Số người truy cập:
7211652