Một đôi khỉ macaque tại Indonesia. Ảnh: National Geographic. |
Michael Gumert, một chuyên gia của Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore) cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu một nhóm gồm 50 khỉ macaque đuôi dài ở Kalimantan Tengah, Indonesia trong 20 tháng. Họ nhận thấy khỉ đực thường chải lông, bắt rận cho khỉ cái trước khi giao hoan với chúng.
Không phải mọi khỉ đực đều được ân ái sau khi chải lông, nhưng thống kê cho thấy hoạt động tình dục trong đàn khỉ tăng lên hơn hai lần nhờ hoạt động này. Cụ thể, số lượng đôi khỉ giao phối trong một giờ (tính trung bình) là 1,5. Nhưng sau khi khỉ cái được chải lông, con số đó tăng lên 3,5 lần.
Nghiên cứu cũng cho thấy số phút mà một con khỉ đực dành cho việc chải lông phụ thuộc vào số lượng khỉ cái có mặt xung quanh nó. Số lượng khỉ cái càng lớn thì số phút chải lông của khỉ đực càng ít.
Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng động vật linh trưởng chải lông cho nhau để đổi lấy thức ăn hoặc “dịch vụ” chăm sóc khỉ con. Nhưng đây là lần đầu tiên giới khoa học chứng kiến hành vi trao đổi “dịch vụ” lấy tình.
Nhưng điều khiến Michael Gumert ngạc nhiên là khỉ cái cũng chải lông cho khỉ đực. Theo ông, rất có thể khỉ macaque cái sử dụng hoạt động chải lông để duy trì các mối quan hệ xã hội trong đàn vì các mối quan hệ ấy có lợi cho con của chúng. Nhưng cũng có thể đó là một cách để giảm mức độ hưng phấn của khỉ đực. Trên thực tế, sau khi được khỉ cái chải lông, số lượng làm tình của khỉ đực giảm hẳn.
V.Linh (theo Time)