Số liệu từ báo cáo ước tính khoảng 1,1 tỷ người ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh bị ảnh hưởng, trong đó 470 triệu người ở khu vực nông thôn và 630 triệu người là cư dân tại các khu ổ chuột ở các thành phố. Tỷ lệ này rơi vào khoảng 1/7 so với tổng số 7,6 tỷ người sinh sống trên Trái Đất.
Một kho máy điều hòa tái chế tại thị trấn Guiyu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, khu vực được ví là kho phế liệu điện tử lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
"Làm mát ngày càng trở nên quan trọng trong việc đối phó với biến đổi khí hậu", Rachel Kyte, người đứng đầu SEforAll kiêm đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc chia sẻ. Trong khảo sát 52 quốc gia, những nước có nguy cơ cao nhất bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Mozambique, Sudan, Nigeria, Brazil, Pakistan, Indonesia và Bangladesh.
"Chúng tôi phải cung cấp các thiết bị làm mát một cách siêu hiệu quả", Kyte nói. Theo bà, các công ty có thể tìm thấy và khai thác nhiều thị trường lớn như phát triển điều hòa không khí hiệu suất cao với chi phí thấp để bán cho tầng lớp trung lưu ở các nước nhiệt đới đang phát triển. Một số giải pháp đơn giản hơn cũng được đưa ra như sơn mái nhà màu sáng để tránh hấp thụ ánh Mặt Trời hoặc thiết kế lại tòa nhà để cho phép nhiệt thoát ra nhanh hơn.
Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cho biết các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu có thể gây ra thêm 38.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới từ năm 2030 đến 2050. Trong đợt nóng vào tháng 5, hơn 60 người tử vong ở Karachi, Pakistan khi nhiệt tăng vượt 40 độ C.
Ở vùng hẻo lánh thuộc các nước nhiệt đới, nhiều người bị thiếu điện. Phòng khám thường không thể lưu trữ vắcxin cũng như ướp lạnh một số loại thuốc đặc chế. Trong khu ổ chuột của nhiều thành phố, nguồn cung cấp điện thường xuyên bị gián đoạn.
Nông dân hoặc ngư dân thiếu thiết bị trữ lạnh để bảo quản và vận chuyển sản phẩm ra thị trường. Cá tươi sẽ ươn trong vòng vài giờ nếu bảo quản ở 30 độ C nhưng sẽ tươi trong nhiều ngày khi ướp lạnh.
Tuần trước, nghiên cứu của Đại học Birmingham ở Anh dự đoán số lượng thiết bị làm mát có thể tăng gấp 4 lần lên đến 14 tỷ trên toàn thế giới năm 2050. Mức độ tiêu thụ năng lượng cũng sẽ tăng tương ứng.