Hơn 250 đại biểu tham dự hội nghị khoa học hạt nhân toàn quốc

 Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân lần thứ 14 do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hai năm một lần. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ công bố những kết quả mới về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nguyên tử.

Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hội nghị được tổ chức tại thành phố Đà Lạt trong 2 ngày từ ngày 9 - 10/12 với hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Theo ban tổ chức, hội nghị lần thứ 14 sẽ giới thiệu Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (Dự án) với thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt. Đây là dự án được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam, ký từ năm 2011.

Hội nghị cũng thảo luận các lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân, ứng dụng của phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật lò phản ứng, bàn về ứng dụng dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân, đồng thời thảo luận vấn đề năng lượng hạt nhân có phải là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam.

Cán bộ kỹ thuật điều chế đồng vị phóng xạ I-131 tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Anh Tuấn

Cán bộ kỹ thuật điều chế đồng vị phóng xạ I-131 tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Anh Tuấn

Hiện có hơn 250 đại biểu là các chuyên gia, cán bộ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử đến từ 40 tổ chức trong và ngoài nước, đăng ký tham gia hội nghị. Đây cũng là dịp để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu, trao đổi, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực tế khác.

Trước đó, hội nghị lần thứ 13 được tổ chức tại Quảng Ninh hồi tháng 9/2019, tập trung thảo luận về vật lý hạt nhân, lò phản ứng, đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường. Hội nghị cũng nêu nhiều kết quả ứng dụng thành công khoa học công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, công nghiệp... Trong đó có ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán điều trị ung thư, bệnh hiểm nghèo.

Như Quỳnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
629
Số người truy cập:
8631767