Các nhà thiên văn học gọi đây là "điểm viễn nhật" và nó sẽ diễn ra vào lúc 14h hôm nay theo giờ Hà Nội. Khi đó, Trái Đất nằm cách Mặt Trời 152,1 triệu km, xa hơn 1,67% so với khoảng cách trung bình giữa hai thiên thể, còn được gọi là một đơn vị thiên văn (1 AU = 149,6 triệu km).
Nhiều người có thể bất ngờ khi biết hành tinh của chúng ta lại cách xa Mặt Trời như vậy vào một ngày hè nóng nực. Nhà địa vật lý Chris Vaughan, người giám sát lịch bầu trời đêm của Space.com, giải thích rằng sự thay đổi nhiệt độ theo mùa phát sinh do sự thay đổi độ nghiêng trục Trái Đất.
"Góc nghiêng ảnh hưởng đến việc tia nắng Mặt Trời chiếu vào Trái Đất ở góc thấp hơn hay trực diện hơn", Vaughan cho biết.
Trái ngược với điểm viễn nhật, hành tinh của chúng ta sẽ ở gần Mặt Trời nhất - được gọi là điểm cận nhật - vào ngày 4/1/2023, khi nó cách ngôi sao 147,1 triệu km.
Quỹ đạo của Trái Đất không phải là một vòng tròn hoàn hảo, đó là lý do tại sao chúng ta trải nghiệm điểm viễn nhật và điểm cận nhật. Mức độ mà quỹ đạo của một hành tinh tách ra khỏi vòng tròn hoàn hảo được gọi là độ lệch tâm của nó.
Trong số tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời, sao Kim có quỹ đạo tròn nhất. Hành tinh này nằm trong khoảng chỉ từ 107 triệu đến 109 triệu km so với Mặt Trời, theo Universe Today.
Các nhà thiên văn học lưu ý rằng "đừng bảo nhìn vào mặt trời bằng ống nhòm, kính viễn vọng, hoặc mắt thường mà không có biện pháp bảo vệ". Thay vào đó, mọi người nên sử dụng các bộ lọc đặc biệt để quan sát ngôi sao ở điểm viễn nhật.
Đoàn Dương (Theo Space)