Hôm nay Quốc hội thảo luận dự án luật Phòng thủ dân sự

 Theo dự thảo, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Hệ thống biện pháp phòng thủ được tiến hành trong thời bình và thời chiến, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch gây ra, cũng như ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Các chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế dọn dẹp bùn đất sau trận mưa lũ ngày 16/10/2022. Ảnh: Võ Thạnh

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật, Bộ Quốc phòng cho biết có ý kiến băn khoăn về khái niệm phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, khái niệm này là kế thừa quy định tại Điều 13 Luật Quốc phòng, đồng thời thể chế hóa Nghị quyết số 22 ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Khái niệm phòng thủ dân sự thể hiện ba vấn đề cơ bản. Thứ nhất, đây là một bộ phận của phòng thủ đất nước, được tiến hành bằng các hoạt động xuyên suốt trong cả thời bình, thời chiến, gồm hoạt động thường trực, sẵn sàng đối phó với nguy cơ, thách thức do sự tác động cả bên trong và bên ngoài đất nước, do tác động của cả an ninh truyền thống (chiến tranh, xung đột vũ trang) và an ninh phi truyền thống (khủng bố, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh...).

Thứ hai, hoạt động phòng thủ dân sự phải được chuẩn bị từ thời bình, từ sớm từ xa để ứng phó kịp thời, hiệu quả với thảm họa, sự cố chiến tranh, nhanh chóng ổn định tình hình và sẵn sàng ứng phó với tình huống thảm họa, sự cố tiếp theo do địch gây ra.

Thứ ba, phòng thủ dân sự là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Hoạt động này gồm hệ thống các biện pháp: Xây dựng chiến lược, kế hoạch, hệ thống công trình, trang bị phòng thủ dân sự, thực hành các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố...

Có ý kiến cho rằng, nội dung công trình phòng thủ dân sự tại dự thảo luật còn rộng, dễ phát sinh thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng.

Theo Bộ Quốc phòng, dự thảo quy định những công trình phục vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố là công trình phòng thủ dân sự, gồm cả công trình chuyên dụng và công trình lưỡng dụng. Trong đó, công trình chuyên dụng gồm hệ thống cảnh báo, thông báo, báo động, trú ẩn; công trình lưỡng dụng gồm đê điều, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống kho dự trữ, công trình ngầm, đường hầm...

Để không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư, chủ dự án, dự thảo luật chỉ quy định theo hướng việc đầu tư xây dựng công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng, lưỡng dụng phải tuân thủ pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường... Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân xây dựng công trình phòng thủ dân sự lưỡng dụng.

Có đại biểu đề nghị làm rõ và quy định cụ thể về các dạng thảm họa, sự cố trong dự thảo luật cho phù hợp, bảo đảm tính bao quát, dễ hiểu, thống nhất với pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cho rằng, nếu quy định theo hướng liệt kê cụ thể các dạng thảm họa, sự cố sẽ thiếu tính bao quát và có thể không đầy đủ. Vì vậy, dự thảo luật chỉ quy định theo nguồn gốc hình thành, gồm thảm họa, sự cố do thiên nhiên gây ra hoặc thảm họa, sự cố do con người gây ra.

Riêng thảm họa do chiến tranh thường gây ra hậu quả đối với con người, nền kinh tế đất nước và môi trường rất khốc liệt nên cần xác định là một dạng thảm họa, sự cố độc lập để có biện pháp ứng phó, khắc phục phù hợp.

Phản hồi ý kiến đề nghị làm rõ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc thành lập quỹ là cần thiết để hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp về củng cố, sửa chữa các công trình hạ tầng cơ sở của Nhà nước và nhân dân, công trình phòng thủ, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác do hậu quả của thảm họa, sự cố.

Dự thảo luật quy định Quỹ Phòng thủ dân sự được thành lập ở Trung ương và địa phương cấp tỉnh; nguồn tài chính của quỹ được hình thành từ sự hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến thảm họa, sự cố.

Đây là lần đầu tiên dự án luật Phòng thủ dân sự được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo chương trình kỳ họp, hôm nay, các đại biểu cũng sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Sơn Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3533
Số người truy cập:
8961640