Vườn xoài của ông Lộc cùng các thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) trước đó được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng - "hộ chiếu" bắt buộc để xuất trái cây tươi sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật.
Tháng ba, những trái xoài cát chu Cao Lãnh vốn nổi tiếng là loại trái tiến vua được thành viên HTX cẩn thận bao lại, ngừa sâu bệnh, giảm 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Chủ vườn bao trái khi xoài to bằng cổ tay, trước thời điểm ruồi vàng có cơ hội tấn công, thời gian bao từ 100 đến 120 ngày thì thu hoạch.
Ông Lộc bao trái xoài hạn chế sâu bệnh, giảm 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Ngọc Tài
"Trứng ruồi vàng là một trong những đối tượng kiểm dịch của các nước nhập khẩu khó tính", ông Lộc nói và cho biết việc bao xoài hạn chế gần như tuyệt đối ruồi gây hại, song nhà vườn phải rất kỳ công. Ban đầu nhiều nông dân nghi ngại khi phải bao từng trái, dùng thang mắc lên thân cây, ngồi "tòn teng" trên cây cao vài chục mét mới thực hiện được.
"Việc này rất nhọc công nhưng hiệu quả mang lại lớn nên nhà vườn khắc phục khó khăn", ông Lộc nói. Bên cạnh bao trái, nông dân phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất sạch, minh bạch đầu vào - ra bằng nhật ký canh tác, không sử dụng thuốc trong danh mục cấm, chỉ thu hoạch xoài khi hết thời gian cách ly sau phun thuốc...
Theo ông Lộc, vấn đề khó nhất để xoài được cấp "hộ chiếu" là nông dân chuyển sang sử dụng thuốc sinh học, an toàn thay cho các loại thuốc hoá học, độc lực cao, hiệu quả tức thời. "Có lần em vợ tôi ngộ độc khi đang phun thuốc, thấy mà ám ảnh luôn", ông Lộc kể sự việc cách đây hơn 5 năm.
Khi cán bộ khuyến nông vận động ông sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP ông đồng ý ngay, quyết bỏ thói quen dùng các hoạt chất độc hại để trừ sâu bệnh. "Sâu hại chưa chết có khi người đã chết trước rồi", ông nói.
Ngoài xuất sang châu Âu, những trái xoài tươi ngon, an toàn của HTX còn đủ chuẩn xuất sang Mỹ. Năm ngoái, khi xoài chính vụ giá rẻ chỉ 5.000 đồng một kg thì giá bán xuất sang Mỹ đến 18.000 đồng. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 13.000 ha xoài, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng 113.000 tấn mỗi năm. Trong đó, 90% diện tích có bao trái, 353 ha đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP diện tích 55 ha.
Cách thành phố Cao Lãnh hơn 20 km, nhà vườn trồng chanh của HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long (huyện Cao Lãnh) cũng đang đóng hàng xuất sang thị trường Hà Lan.
Chanh ở đây được nông dân chở trong những giỏ to, khi tới vựa không tiếp xúc mặt đất mà phải bắt ghế để lên. Anh Lương Như Ý, Phó giám đốc HTX lý giải việc tránh tiếp xúc mặt đất để giảm lây nhiễm chéo sinh vật gây hại hoặc các loại thuốc bảo vệ thực vật. "Nền đất nhiều người qua lại có thể còn dính thuốc đâu đó, nếu còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chanh là chết liền", anh Ý nói.
Chanh HTX Mỹ Long đang đóng hàng để xuất sang Hà Lan. Ảnh: Ngọc Tài
Muốn ký kết hợp đồng xuất khẩu sang thị trường khó tính như Hà Lan, ngoài việc có mã số vùng trồng, nông dân trồng chanh phải cam kết nông sản không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi lô hàng đều phải kiểm tra ngẫu nhiên, nếu vi phạm sẽ bồi thường toàn bộ lô hàng.
Khi gặp sự cố dư lượng, doanh nghiệp xuất khẩu cử nhân viên xuống tìm hiểu nguyên nhân nếu do nhà vườn cố tình phun thuốc sẽ bị cắt hợp đồng thu mua. Trường hợp do nhiễm chéo từ vườn bên cạnh, nhà vườn sẽ được cân nhắc ký hợp đồng lại sau thời gian 4-5 tháng theo dõi, đánh giá.
Bên cạnh những ràng buộc về pháp lý khi sai hợp đồng, nông dân vẫn có những khoản thưởng hấp dẫn nếu làm tốt. Cụ thể, ngoài thu mua giá cao hơn thị trường, hàng đạt chuẩn xuất khẩu trên 60% được đơn vị thu mua cộng thêm 1.000 đồng mỗi kg, thực hiện theo tiêu chuẩn GAP, không dùng phân thuốc trôi nổi được cộng thêm tối đa 3.000 đồng.
"Tính ra tiền thưởng gần đủ tiền chi phí sản xuất nếu vườn trên 4 năm tuổi năng suất ổn định", ông Phạm Văn Niềm - một chủ vườn đang canh tác một ha chanh theo hướng an toàn - cho biết.
Giống chanh HTX đang trồng là loại không hạt, thu hoạch sau 15-18 tháng trồng. Chanh này năng suất chính vụ (tháng 2-3) từ 5 đến 7 tấn mỗi công (1.000 m2) tuỳ độ tuổi cây. Giá bán 18.500 đồng mỗi kg (giá thành dao động từ 5.000 đến 7.000 đồng), trung bình một công chanh, nông dân lãi hơn 50 triệu đồng mỗi năm. Những tháng khác trong năm, năng suất, giá chanh sẽ giảm phân nửa.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phó chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện các nước nhập khẩu trái cây Việt Nam đều yêu cầu phải có mã số vùng trồng bên cạnh các chứng nhận GlobalGAP. Hiện Đồng Tháp có 162 mã số vùng trồng trên cây ăn quả, diện tích gần 6.000 ha (chiếm 16% tổng diện tích) chủ yếu là xoài, nhãn, trong đó xuất sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật là 40 mã, hơn 1.000 ha.
Mã số vùng trồng (mã số đơn vị sản xuất – Production Unit Code - PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Mã số này được cấp cho vùng trồng nông sản có sự kết hợp các ký tự và mã số như sau: Mã quốc gia; mã tỉnh, thành phố; mã quận, huyện; mã xã, phường và số thứ tự theo danh sách mã do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt, cấp.
Quy trình cấp mã bao gồm các bước thẩm định về đối tượng kiểm dịch của nước nhập khẩu, kiểm tra nhật ký ghi chép, vệ sinh vườn, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Sau khi được cấp mã số, hằng năm chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật sẽ kiểm soát trước kỳ thu hoạch nông sản để có báo cáo việc giữ hay thu hồi mã số.
Theo bà Hoa, nhiều nhà vườn bắt đầu quan tâm đến sức khoẻ của đất, chất lượng nông sản, hợp tác với nhau để cùng làm tốt. Mã số vùng trồng xuất khẩu gắn với thương hiệu của nông sản nhà vườn làm ra, thương hiệu địa phương, ai làm mất uy tín sẽ bị thu hồi mã số, không bán được hàng.
"Không chỉ xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng khó tính hơn. Nông dân không thay đổi cách làm mới không chỉ khó xuất khẩu mà thị trường trong nước cũng khó giữ", bà Hoa nói.
Ngọc Tài