Ở các tỉnh miền Nam những năm gần đây do điều kiện khí hậu diễn biến bất thường, sau khi thu hoạch lúa phụ thuộc hoàn toàn bằng máy sấy thay vì cách phơi khô lúa thông thường.
Để phục vụ nhu cầu doanh nghiệp và các hộ sản xuất lớn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, giao Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã cùng các nhà khoa học hoàn thiện thiết kế và chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/mẻ.
Hệ thống bao gồm lò đốt, quạt hoàn chỉnh và băng tải chuyển lúa từ ghe lên bồn sấy được tích hợp các mudule rời nên rất thuận lợi khi cần tăng năng suất hệ thống. Tất cả các công đoạn đều lắp đặt hệ thống tự động, ổn định chân quạt, tích khí đều, không cần trở mẻ.
Lò đốt được thiết kế chế tạo theo phương án đốt trực tiếp hạn chế tối đa các ảnh hưởng từ khói lò ám vào sản phẩm theo thiết kế bố trí các buồng đốt - tách tro - hòa trộn - hút khí trước khi vào bin sấy.
Hệ thống lò đốt và thùng chứa. Ảnh: Đoàn Nguyễn. |
Nhờ thiết kế này có thể giảm 30% chi phí so với các thiết bị tương tự chế tạo trong nước do chi phí tiền điện và chất đốt giảm.
Ông Lê Thanh Sơn, Chủ nhiệm đề tài cho biết, so với các hệ thống sấy thông thường, với công suất lớn rất khó để sấy đồng đều. Tuy nhiên với hệ thống này chế độ sấy được cải tiến rất nhiều.
Doanh nghiệp đã cùng với Phòng thí nghiệm trọng điểm điều khiến số (Đại học Bách khoa) đã xây dựng được quy trình đo kiểm và khảo sát hệ thống quạt hướng trục theo mô hình khảo nghiệm quạt theo tiêu chuẩn của Nhật.
Các bộ thông số về chế độ làm việc của bin sấy qua thử nghiệm đã cho kết quả hạt sấy đồng đều, giúp sản phẩm bán được giá và ổn định hơn.
Một ưu điểm nổi bật của lò sấy tĩnh vỉ ngang là có thể sấy gạo sữa (gạo đục) mỗi mẻ từ 80 - 150 tấn mà vẫn đạt chất lượng cao nhờ điều chỉnh được nhiệt độ thấp và kéo dài thời gian sấy (60 - 70h). Nhờ thiết kế ổn định vận tốc gió, điều hòa nhiệt độ theo ý muốn nên hạt gạo không bị gãy, không phải thêm công đoạn sàng lọc lấy tấm.
Đề tài vừa được nghiệm thu ngày 1/12 và chuyển giao cho các đơn vị chế biến lúa gạo của các tỉnh phía Bắc, Trung, Nam trong đó ở Hà Tĩnh là dây chuyền công suất 100 tấn/mẻ, giá 3 tỷ đồng.
Ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cao và tiên tiến trên thế giới.
Các nghiên cứu góp phần phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
"Việc nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ tối ưu sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, cạnh tranh trên thị trường", ông Long nói.