Theo TRAFFIC - mạng lưới kiểm soát buôn bán động vật và thực vật hoang dã -hai vụ việc xảy ra gần nhau, tương tự về kích thước và cách đóng gói hàng hóa đã đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của số tê tê (thú ăn kiến có vảy) mới bị bắt giữ. Theo đó, có thể một phần của lô hàng này nằm trong gói đấu giá tháng 10.
Số tê tê đông lạnh được đấu giá có nguồn gốc từ hai lần bắt giữ của hải quan Hải Phòng vào ngày 29/2 với hơn 6 tấn thịt và ngày 6/3 với 17 tấn thịt và vảy tại cảng Hải Phòng. Hơn 20 tấn tê tê này đang trên đường từ Indonesia sang Trung Quốc và quá cảnh tại cảng Hải Phòng.
Theo TRAFFIC, nhu cầu sử dụng tê tê ở Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh: Vulkaner.no |
"Sau cuộc đấu giá tháng 10, toàn bộ số tê tê được chuyển giao cho các công ty thắng cuộc. Sự thiếu minh bạch trong suốt quá trình đấu giá cũng như thiếu cơ chế giám sát công khai để xác định số tê tê trên được chuyển đi đâu, cho ai và có nguy cơ quay lại thị trường buôn bán quốc tế hay không trở nên khó khăn", thông cáo của TRAFFIC ngày 8/1 nêu rõ.
Theo ông Sulma Warne, Điều phối viên chương trình Tiểu vùng Mê Kông mở rộng của TRAFFIC, việc bán đấu giá số tê tê bắt giữ được đã gửi đi một thông điệp hoàn toàn sai bởi nó hủy hoại chính nỗ lực bắt giữ các lô hàng này.
"Việc bắt giữ mới nhất ở Quảng Ninh tái khẳng định sự cần thiết phải tiêu hủy tất cả các sản phẩm động vật hoang dã thu giữ được. Việc bán lại như trường hợp xảy ra vào tháng 10 chỉ giúp làm tăng cầu thị trường tê tê trong khu vực," ông Sulma Warne nói.
Ước tính, mỗi năm Trung Quốc cần tối thiểu 100.000 con tê tê để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong y học. Hiện, hầu hết tê tê được săn ở Malaysia và Indonesia bị đưa lậu qua Trung Quốc và Việt Nam. Theo các thợ săn địa phương ở Đông Nam Á, tê tê đang ngày càng khan hiếm. Còn các nhà khoa học cho rằng trong tương lai gần, động vật này phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng cao.
Khánh Chi
(Theo VnExpress)