Theo Vogue Business, đồ da của các thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn xa xỉ LVMH đã "cháy" hàng. Kể từ năm 2014 đến nay, Hermès hầu như luôn trong tình trạng không còn gì để bán, mọi thứ đều "bay" khỏi kệ một cách nhanh chóng.
Luật chống lãng phí và rác thải mới của Pháp cấm các thương hiệu cao cấp phá hủy hàng tồn kho. Ảnh: Bloomberg
Tình trạng khan hiếm xuất phát từ việc nhiều hãng mốt lớn đang cố gắng giảm lượng hàng hóa được sản xuất ra sau khi luật chống rác thải mới có hiệu lực ở Pháp từ năm nay. Tập đoàn Kering, chủ sở hữu Gucci, Saint Laurent, Balenciaga... đã đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để quản lý nguồn hàng tốt hơn. Tại LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, giám đốc phát triển môi trường Helene Valade cho biết mô hình kinh doanh đồ cao cấp được chỉnh lại chặt chẽ theo nhu cầu.
El Ghouzzi - chuyên gia về hàng xa xỉ tại cơ quan tư vấn Cultz - cho biết Louis Vuitton làm khá tốt trong việc theo dõi nguồn hàng. "Họ biết chính xác những gì có trong kho và có khả năng quản lý chúng sát sao đến từng milimet, trong khi nhiều nhà mốt khác không làm được". Ghouzzi cho rằng luật mới buộc các thương hiệu tìm hiểu thêm về khách hàng để dự đoán tốt hơn nhu cầu mua sắm, từ đó giảm lượng tồn kho ở mức tối thiểu.
Việc thắt chặt số lượng dẫn tới khan hiếm hàng là hệ quả từ hoạt động phá hủy đồ tồn kho của các hãng thời trang xa xỉ. Năm 2018, Burberry vấp phải bê bối khi tiết lộ đã "đốt" 28 triệu bảng vào lượng hàng hóa tồn đọng. Sự việc khiến dư luận sốc và phẫn nộ, buộc nhà mốt Anh phải tuyên bố dừng hoạt động này từ năm 2019. Tháng 10 năm ngoái, Coach cũng bị tố cáo rạch nát những chiếc túi xách tồn đọng.
Nhiều năm qua, các thương hiệu không thích giảm giá để tiêu thụ hàng ế vì giá thấp có thể làm giảm sức hấp dẫn của nhãn hàng. Theo Vogue, giá càng cao càng cho thấy đẳng cấp, tính độc quyền của nhà mốt và thúc đẩy khao khát sở hữu của khách hàng. El Ghouzzi nói trên SCMP: "Những người giàu có mua đồ hiệu xa xỉ để khẳng định bản thân. Nếu mặt hàng nào không bán được, nhà mốt thà phá hủy nó còn hơn là giảm giá để rồi mất đi hình ảnh và giá trị cốt lõi được xây dựng, bồi đắp qua nhiều thế hệ".
Không giảm giá hàng ế, Chanel, Louis Vuitton hay Hermès còn tăng giá các mặt hàng dù dịch. Ở Hàn Quốc, giới trẻ xếp hàng mua đồ xa xỉ, bất chấp giá cả leo thang trong năm ngoái. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, những thương hiệu lớn không ngừng tăng giá. Louis Vuitton và Prada tăng giá năm lần, Chanel, Burberry và Celine tăng giá hai lần, Hermès một lần. Từ 3/11/2021, túi Small Classic của nhà mốt Pháp tăng lên 8.429 USD, cao hơn 16% so với cuối tháng 9. Túi Chanel 2.55 có giá 8.830 USD, tăng hơn 2.000 USD so với tháng 12/2020.
Túi Loewe cao cấp làm từ những mảnh da vụn sót lại trong xưởng, được bán với giá 1.940 USD, đã hết hàng. Ảnh: Loewe
Khi không được tiêu hủy hàng tồn, các nhà mốt được gợi ý chuyển sang hướng bán lại cho nhân viên với giá thấp hơn. Đây được xem là ý tưởng khả thi, khi các tập đoàn thời trang lớn này có lực lượng lao động lớn, với hơn 150.000 nhân viên tại LVMH, 38.000 tại Kering và 16.600 tại Hermès. Ngoài ra, tặng quần áo không bán được cho các hiệp hội cũng là một lựa chọn. LVMH có quan hệ đối tác với Cravate Solidaire - Hiệp hội Quyên góp Quần áo bảo hộ lao động và trao tặng những người có hoàn cảnh khó khăn đang tìm việc làm.
* Làng mốt thúc đẩy thời trang bền vững
Thời trang bền vững phát triển cũng kéo theo các nhà thiết kế bắt đầu tận dụng những vật liệu bỏ đi hoặc còn sót lại. Virgil Abloh từng sử dụng đồ tái chế, tạo ra các bộ sưu tập nam dành cho Louis Vuitton cho đến khi nhà thiết kế này qua đời cuối năm ngoái. Marc Jacobs hợp tác với công ty tái chế vải Fabscrap để tạo ra chất cách nhiệt cho các sản phẩm. LVMH cũng có quan hệ đối tác với WeTurn, công ty thu thập quần áo và vật liệu không bán được để tái chế thành chỉ và vải mới.
Sao Mai