Sau khi vào danh mục quốc gia, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình lên UNESCO, đề xuất tổ chức công nhận nét đẹp trở thành văn hóa phi vật thể nhân loại.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản văn hóa, hành động nhằm ghi danh tri thức của cộng đồng trong quá trình sáng tạo cũng như tập quán mặc áo dài.
Năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục.
Áo dài trở thành trang phục chính của người vùng Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802, vua Gia Long có ý định thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, vua Minh Mạng đã ban hành chính sách để áo dài phổ biến cả nước.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh - cho biết người Huế luôn quan niệm "y phục xứng kỳ đức". Vì vậy, trang phục không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đã tạo nên hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội, gắn liền việc phân định danh phận, vị thế, vai trò cá nhân, giai tầng.
Áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, từ học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên đến những lớp người trung niên, các bà già, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, ngoài chợ. Các cô gái chọn màu áo trắng hay tím nhạt, học sinh, sinh viên chọn màu tím Huế làm đồng phục.
Ngày nay, người dân địa phương vẫn thường diện áo dài ra ngoài, tham gia nhiều hoạt động. Không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng mặc trong các hoạt động như cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp Tết. Ông Hải nhận định với hơn 300 năm lịch sử, trang phục tạo nên hình ảnh, nét đặc sắc riêng của đất cố đô.
Nhiều năm nay, tỉnh có các hoạt động đa dạng quảng bá nét đẹp áo dài. Năm 2018, Chủ tịch tỉnh từng viết thư vận động học sinh, giáo viên mặc trang phục truyền thống đến trường. Từ năm 2020, công chức ngành văn hóa mặc áo dài mỗi thứ hai đầu tuần. Dịp Liên hoan phim Việt Nam năm 2021, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh cũng vận động người dân hưởng ứng.
Năm ngoái, phụ nữ trong và ngoài nước mặc trang phục này tham quan di tích Huế trong ngày 8/3 được miễn phí vé tham quan - hoạt động nhằm thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài và mừng ngày Quốc tế Phụ nữ.
Theo ông Hải, nhiều sáng kiến lấy kinh nghiệm từ việc Hàn Quốc đưa Hanbok trở thành biểu tượng và thương hiệu văn hóa. Trong hội thảo năm 2022, ông phát biểu: "Việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản là hết sức phù hợp, cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Phục hưng áo dài để mỗi khi nghĩ đến Huế là người ta phải nghĩ ngay đến xứ sở của trang phục này, phải khát khao được đến Huế để nhìn ngắm, trải nghiệm, mặc và làm quà tặng cho bạn bè, người thân".
Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có các di sản thế giới, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế; nhã nhạc, âm nhạc cung đình Việt Nam; mộc bản triều Nguyễn; châu bản triều Nguyễn; thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh.
Võ Thạnh - Hà Thu