Tháng ngày ê a dày hơn 200 trang, tập hợp những câu chuyện nhỏ của Lê Minh Hà về gia đình, tuổi thơ, tháng ngày trên ghế nhà trường rồi trở thành giáo viên. Bối cảnh trong trang viết của chị là Hà Nội thời hậu chiến với khó khăn, thiếu thốn.
Thành phố ngày hậu chiến dịu dàng nhưng nhọc nhằn. Lê Minh Hà viết: "Gạo vàng hơn, hôi hơn, nhiều sạn và cứt gián hơn. Buổi tối nhà nào cũng phải nhắc nhau ngồi nhặt gạo khỏi sạn để sáng ra kịp nấu cơm mang đi làm. Rau mậu dịch đổ đống có tươi cũng nát".
![]() |
Nhà văn Lê Minh Hà trong buổi giao lưu tại Hà Nội. |
Hà Nội trong hoài niệm Lê Minh Hà còn mang vẻ đẹp bình dị. Đó là không gian vắng vẻ, tiếng ve râm ran, vòm hoa sưa như mây trắng phía Nhà hát Lớn, hoa gạo đỏ rực phía Đài Nghiên hay hương loa kèn dịu nhẹ. Tác giả còn nhớ những buổi sáng, chị khuân chồng sách, bát xôi và chiếc ghế con xuống đọc dưới hầm công cộng.
Bên cạnh ký ức tuổi thơ, Lê Minh Hà dành nhiều trang cho nỗi trăn trở về nghề giáo. Lê Minh Hà tếu táo chia sẻ: "Với tôi, nhà trường như nhà tù, còn thầy cô chỉ là những người nuôi dạy trẻ, trông trẻ cho bố mẹ đi làm. Lớn lên, chẳng hiểu duyên số ra sao mà tôi lại trở thành cô giáo dạy văn, nhưng sớm bỏ nghề khi sang Đức sinh sống". Dù vậy, nhà văn luôn coi giáo dục nhà trường mang lại các giá trị nền tảng.
Chị quan niệm giáo dục chỉ cần tạo ra những con người bình thường chứ không phải cá tính. "Nghề giáo không cần tạo ra những siêu nhân mà chỉ cần đào tạo nên những con người có được cảm xúc thông thường, trung thực, có suy nghĩ độc lập và có khả năng chịu trách nhiệm cá nhân", nhà văn nói.
![]() |
Cuốn sách "Tháng ngày ê a" do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. |
Lê Minh Hà cho biết quãng thời gian đi dạy giúp chị hiểu ra thầy giỏi không phải là người có học sinh đoạt giải nọ kia trong các cuộc thi. Thầy giỏi phải đánh thức được ở học sinh ý hướng vượt ra ngoài các giới hạn, trước hết là giới hạn tri thức bộ môn mình dạy trong từng cấp học. Thêm vào đó, nhà văn khẳng định để có nền giáo dục tiến bộ, vị thế của nhà giáo trong xã hội cần được nể trọng, từ cấp mẫu giáo đến bậc đại học.
Sách có kết cấu liền mạch, không chia chương, thậm chí không có mục lục. Nhà văn đan cài nhiều trang trắng tạo khoảng trống trong cuốn sách. Lê Minh Hà muốn khoảng trắng đó là không gian để bạn đọc dừng lại, suy tưởng trước khi tiếp tục lật giở trang kế tiếp. Nhà văn Đỗ Phấn nhận xét: "Những trang viết giàu cảm xúc, câu chữ giản dị đưa người đọc cuốn theo mạch hồi ức liên miên, không dứt".
Tháng ngày ê a không đề tên thể loại, nhiều độc giả nhận định sách như cuốn hồi ký. "Trong cuốn sách này, tôi lần đầu biến mình thành nhân vật chính. Tôi chẳng ngại nói về lầm lỗi, điều mà đa số người viết hồi ký thường vô thức hoặc chủ ý tìm cách gạt đi", Lê Minh Hà bộc bạch.
Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội. Tác giả tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội và từng dạy ở trường Hà Nội - Amsterdam. Từ năm 1994, chị định cư tại Berlin (Đức). Lê Minh Hà đã ra mắt các tác phẩm: Phố vẫn gió, Còn nhớ nhau, Chơi nhiều hết mệt, Thương thế ngày xưa...
Trọng Trường