Giá xăng giảm, hàng hóa đứng yên

 Phở bò - "món tủ" mỗi sáng của Hoa, cán bộ nhân sự ở một công ty may tại quận 6, TP HCM - ngày một đắt đỏ. Khảo sát cho thấy, bình quân, mỗi tô phở đang được các hàng quán Hà Nội bán giá tầm 35.000-40.000 đồng, còn ở TP HCM khoảng 45.000 đồng.

Lấy lý do giá xăng tăng và chi phí đầu vào đi lên, từ tháng 5, các tiệm phở đã tăng giá ít nhất một lần, có nơi tăng hai lần, trên 10.000 đồng một tô. Thậm chí, ở một số quán phở có thương hiệu và ở vị trí đắc địa tại TP HCM, giá mỗi tô hiện lên 60.000-90.000 đồng. Một số quán sang trọng, nằm trên đường Nguyễn Du, quận 1, tô phở đuôi bò có giá 110.000-120.000 đồng.

Nhìn lại giá phở bình quân 10 năm qua, đà tăng của mặt hàng này khá tương đồng với xăng.

Đồ họa: Tiến Thành

Nhưng gần đây, khi giá xăng đã giảm 6.500 đồng, giá mặt hàng này lại không có nhiều thay đổi. Dự kiến, chiều nay, giá xăng có thể giảm tiếp 1.200-1.600 đồng, tức mỗi lít xăng E5 RON 92 sẽ về vùng 23.000 đồng.

"Họ nói do giá xăng đi lên nên tăng giá. Nay giá xăng đã rẻ hơn cả hồi tháng 2, giá phở vẫn không về lại", Hoa chia sẻ.

Theo lý giải của các chủ quán phở, nếu chỉ nhìn vào giá xăng thì chưa đủ bởi phở là mặt hàng mà giá các nguyên liệu làm ra nó vẫn neo cao.

"Giá mỗi kg thịt bò phile, thịt gà đều tăng mạnh 20% trong 7 tháng đầu năm. Các nguyên liệu khác cũng chưa thấy suy chuyển giá", chị Ù, chủ quán phở Trần Khắc Chân nói.

Quản lý tại quán Phở Cao Vân trên đường Mạc Đĩnh Chi cho biết trong cấu thành tô phở, giá bánh phở, rau thơm, xương hầm đang tăng 20-60% so với cùng kỳ. Tiếp đến là nhóm dầu ăn, đường, bột nêm, nước mắm, rau gia vị đều đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng rau mùi, trước đây 15.000 đồng một kg, nay 60.000 đồng, tăng 400%.

Hàng hóa, dịch vụ đứng yên nhìn giá xăng giảm - 1

Với những nơi nấu phở bằng bếp than, chi phí chất đốt đã thêm 30% so với cùng kỳ. "Năm ngoái, 20 ngày quán tôi mới mất khoảng 700.000 đồng tiền than, hiện phải hơn một triệu đồng", ông Lợi chủ một quán phở bò tại Xã Đàn, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ.

Ông chủ quán phở Cao Vân (quận 1) phục vụ khách. Ảnh: Quỳnh Trần.

Không chỉ những thứ cấu thành nên tô phở, hàng loạt mặt hàng hóa, dịch vụ từ đầu năm đến nay đã tăng vọt và chưa có dấu hiệu giảm.

Khảo sát của VnExpress cho thấy gas, than là những nhiên liệu, chất đốt có giá tăng cao kỷ lục. Cuối tháng 5, gas lên mức 550.000 đồng (bình xanh 12 kg), sau đó hạ về 430.000 đồng cuối tháng 7. Tuy đã giảm 4 tháng liên tiếp, giá gas vẫn còn cao hơn cùng kỳ khoảng 3,2%.

So với đầu năm, nhóm thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng 10-50%. Trong đó, dầu ăn, đường, tăng mạnh nhất. Mới đây sau 4 lần giá xăng giảm liên tiếp thì chỉ một vài nhóm hàng rục rịch giảm nhẹ trong mức 5.000-20.000 đồng. Trong đó, giá thịt heo, thịt bò giảm 10.000-20.000 đồng một kg. Bia Tiger giảm 10.000 đồng một thùng, sữa bịch giảm 400 đồng một túi. Trong nhóm thủy sản, cá điêu hồng và cá tra giảm 5.000 đồng một kg, xuống 55.000-60.000 đồng... Tuy nhiên, mức giá giảm trên vẫn cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với thực phẩm, sữa bột, bỉm nhóm sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhóm này cũng đã tăng giá 5-20% so với đầu năm.

Nhiều thương hiệu F&B lớn cũng đã đồng loạt tăng giá bán sản phẩm. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy nhóm hàng hóa và dịch vụ ăn tăng 1,18% so với 7 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có mức tăng giá 3,81%, riêng tháng 7 tăng đến 15,27% so với cùng kỳ, cao nhất trong các nhóm hàng hóa. Sau khi giá xăng hạ, các chuỗi lớn này vẫn chưa điều chỉnh giá về như mức cũ.

Ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPOS, nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho hơn 50.000 thương hiệu nhà hàng và quán cà phê, cho rằng tăng giá sản phẩm là "lựa chọn cuối cùng" của doanh nghiệp F&B khi không thể tối ưu được chi phí thêm nữa. Hướng đi này sẽ giải quyết được phần nào gánh nặng về việc "gồng lỗ" nhưng sẽ phải đánh đổi về trải nghiệm và tần suất tiêu dùng.

Tuy nhiên ông lưu ý rằng, tăng giá sẽ chỉ nên thực hiện khi doanh nghiệp đã thực sự nghiêm túc và tính toán kỹ phần chi phí nội bộ, chi phí đầu vào.

"Tăng giá bao nhiêu, tăng giá cho mặt hàng gì cũng là chiến lược dựa theo đặc tính sản phẩm dịch vụ của thương hiệu", ông Hùng nói và đưa ra một so sánh, phản ứng của thực khách trước sự tăng giá của Highlands Coffee hay Golden Gate rất khác khi tiệm bánh mỳ bình dân quen thuộc tăng thêm 15-20%.

Bên cạnh nhóm hàng thiết yếu tăng đột biến, nhóm nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi, xây dựng cũng chưa hạ nhiệt đáng kể.

Nhóm thức ăn chăn nuôi, từ đầu năm đến nay đã tăng giá 4-6 lần (tùy mặt hàng), tương đương mức tăng 40-60%. Giá gà ta, gà lông màu cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trứng gà, vịt leo lên mốc cao kỷ lục và chưa có điểm dừng.

Với nhóm vật liệu xây dựng, xi măng và thép liên tục thay đổi trong 6 tháng đầu năm nay. Xi măng từ giữa tháng 3 đến nay đã có ba đợt tăng giá đồng loạt. Tùy loại và thương hiệu, biên độ điều chỉnh trong khoảng 50.000-100.000 đồng một tấn mỗi đợt. Có sản phẩm được nâng giá lên đến 150.000 đồng một tấn. Trong khi đó từ tháng 5 đến nay, giá thép đã đồng loạt giảm 12 lần liên tiếp với mức điều chỉnh lũy kế khoảng 4 triệu đồng một tấn. Giảm liên tục nhưng giá thép vẫn neo cao trong khoản 15-16 triệu đồng một tấn tùy loại và thương hiệu. Các loại vật liệu xây dựng khác như cát, đá, sỏi, gạch xây... cũng tăng giá. So với cùng kỳ, nhiều mặt hàng đã tăng 1,25-1,5 lần.

Kéo theo đó, chi phí xây dựng nhà ở và công trình cũng đội lên. Tính chung, CPI của nhà ở và vật liệu xây dựng 7 tháng đầu năm tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 7, nhóm hàng hóa này tăng đến 7,03% so với cùng kỳ.

Chuỗi đồ uống Highlands Coffee thông báo tăng giá 10-15% ở một số sản phẩm. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tại một tọa đàm gần đây, chuyên gia Cấn Văn Lực nhìn nhận việc điều chỉnh giá cần có độ trễ, nhưng ông cho rằng thời gian trễ chỉ nên kéo dài vài tuần thay vì cả tháng như hiện nay. Theo ông, các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh hơn trong rà soát, tìm các bất cập.

Bên cạnh các biện pháp liên quan đến kinh tế, kỹ thuật, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, để giữ mặt bằng giá, cần đảm bảo được nguồn cầu hàng hoá, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là tiết giảm ở các khâu trung gian.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là nước đang kìm chế lạm phát khá tốt (7 tháng CPI tăng 2,54%) nhưng tác động của thị trường thế giới đang đè nặng nên các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, sản xuất hàng tiêu dùng khi các nguyên liệu nhập khẩu đầu vào đang tăng ở mức 2 con số. Đặc biệt, chi phí vận chuyển tăng gấp 2-3 lần do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến sự Nga-Ukraine tiếp tục đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng trong khi sức mua chưa thể phục hồi.

Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan kiểm tra, rà soát để làm rõ vì sao giá cả hàng hóa chưa hạ nhiệt theo giá xăng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra này chưa được công bố.

Với Hoa, cô cũng chỉ mong sớm đến ngày giá các mặt hàng, đặc biệt, món yêu thích là phở, trở lại mức giá cũ để được ăn hàng tuần.

Thi Hà - Anh Tú – Tất Đạt


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6546
Số người truy cập:
7293860