Ông Hùng, người nuôi cá lăng ở Tuyên Quang cho biết, những ngày gần đây thương lái nhộn nhịp với khu nuôi cá nhà ông để hỏi sản phẩm nhưng lượng hàng để cung cấp không nhiều.
"2 năm trước dịch bệnh khiến gia đình nuôi cá lỗ nặng nên giảm diện tích thu mua. Nay giá cá lăng tăng gấp đôi lên 100.000 đồng một kg nhưng không có hàng để bán", ông Hùng nói.
Tương tự, ông Bình ở huyện Lâm Bình cũng cho rằng trước đây giá cá lăng giao buôn chỉ đạt 50.000 đồng một kg, thời điểm thấp nhất chỉ đạt 40.000 đồng một kg. Hai năm liên tiếp bỏ vốn vào đầu tư duy trì ổn định 20 lồng cá đặc sản ông lỗ khoảng 300 triệu đồng. "3 tháng trở lại đây, tôi mới có lãi khi giá thu mua loại này tăng gấp đôi so với trước", ông Bình nói.
Hiện nay, tại khu lòng hồ thủy điện Tuyên Quang tại huyện Na Hang, Lâm Bình có khoảng 200 hộ nuôi cá lồng với khoảng 1.500 lồng cá. Giá cá tăng cao đã giúp nhiều hộ gia đình có lãi từ vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng.
Cũng chính vì giá cá tăng cao nên giá bán lẻ tại các cửa hàng hải sản ở Hà Nội và TP HCM tăng mạnh lên 190.000-210.000 đồng một kg.
Theo anh Hòa, chủ cửa hàng hải sản trên đường quốc lộ 13, quận Bình Thạnh, hiện mức giá cá lăng bán lẻ trên đang tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là giá cá nhập vào tăng mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, để cá được bảo quản sống tốn nhiều chi phí. Hiện, tất cả các chi phí đầu vào đều tăng 20-30% so với đầu năm nên đẩy giá bán lẻ tăng mạnh.
Việc giá cá tại các hộ nuôi tăng đột biến, theo thương lái nguyên nhân chính là giá thức ăn thủy sản tăng gấp đôi khiến người nuôi thua lỗ, nhiều hộ dân tại các tỉnh miền xuôi bỏ trống lồng. Nguồn cung giảm khiến giá tăng cao.
Mặc dù giá cá tăng đột biến đang giúp người nuôi có lãi. Tuy nhiên, theo lãnh đạo phòng nông nghiệp tỉnh này, giá cá lăng tăng cao theo thời điểm nên khó bền vững, người dân cần cẩn trọng trong thả nuôi để tránh thua lỗ nặng khi rớt giá.
Hồng Châu