Được ví như "yến sào của đại dương", rong sụn khô – đặc sản miền biển thường có quanh năm nhưng số lượng không nhiều. Loại rong này sau khi đã phơi khô và qua xử lý hiện được các đơn vị sản xuất bán ra với giá 400.000-500.000 đồng một kg. Mức giá này cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chị Hoa, chủ một cửa hàng thực phẩm ở quận 5 (TP HCM) cho biết, rong sụn khá hút khách. Mỗi đợt chị nhập khoảng 1-2 tạ nhưng đều được khách mua hết. "Tôi đang lên đơn hàng Tết khoảng 300 kg nhưng đến giờ 70% đã có khách đặt để làm gỏi hoặc nấu chè", chị Hoa nói.
Là đơn vị thu gom mỗi năm hàng chục tấn rong sụn khô ở Phan Rang, bà Huỳnh Thị Mỹ Oanh - Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Cánh Trắng cho biết, cứ 8 kg rong sụn tươi mới được 1 kg khô. Sau khi xử lý sạch, tỷ lệ khô thành phẩm tiếp tục hao hụt. Rong sụn rộ nhất vào những tháng mùa xuân nên thời điểm này sản lượng ít khiến giá tăng cao và đắt đỏ.
Theo người dân địa phương tại các vùng biển Phan Rang, Phú Yên, năm nay thời tiết thiếu thuận lợi nên rong sụn nuôi trồng cho sản lượng thấp. Hiện, giá một tấn tại vựa chưa qua xử lý 45-47 triệu đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng thu hoạch của gia đình chị Vệ (người nuôi rong sụn tại biển Phan Rang) năm nay giảm hai phần ba so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhờ giá tăng cao, mùa vụ năm nay, chị vẫn thu về gần 50 triệu đồng từ bán rong sụn.
Tương tự, anh Thảo, một người nuôi khác cũng ở Phan Rang, khoe năm nay thu về 100 triệu đồng từ loại này vì không phải lo đầu ra. "Các thương lái đưa xe đến tận nơi thu mua, có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu chứ không chọn lựa", anh nói.
Rong sụn được trồng nhiều ở một số tỉnh ven biển miền Trung như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, trong đó Ninh Thuận được coi là thủ phủ của loại thực vật này.
Rong sụn giàu dinh dưỡng, chứa hàm lượng cao protein, đường, chất khoáng và nhiều loại vitamin. Vài năm trở lại đây, rong sụn không chỉ là cây xóa đói mà còn giúp người dân ở các vùng biển đổi thay cuộc sống.
Hồng Châu