Dùng công nghệ nano ép tỏi chỉ đẻ một nhân

 Tỏi một nhân hay còn gọi là tỏi cô đơn vốn được người dân săn lùng vì nhiều dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon và rất dễ bóc vỏ. Ở Lý Sơn do điều kiện tự nhiên có 30% lượng tỏi trồng chỉ có một nhân. Để phục vụ cho việc ủ làm tỏi đen, có thời điểm giá của loại tỏi một nhân lên tới 1,2 triệu đồng một kg. 

Nhận thấy nhu cầu của thị trường, thạc sĩ Nguyễn Bình Phương, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Công nghệ nano STV - đã có ý tưởng tìm kỹ thuật trồng để tỏi chỉ sinh trưởng một nhân. 

Qua nghiên cứu, thạc sĩ Phương thấy không có giống tỏi cô đơn mà do điều kiện tự nhiên, sự "khuyết tật" trong quá trình sinh trưởng khiến những củ tỏi vốn bình thường, nay chỉ phát triển một nhân. 

Từ giống tỏi tím truyền thống, nhờ kỹ thuật trồng thành tỏi một nhánh. Ảnh: Kim Bảo.

Từ giống tỏi tím truyền thống, nhờ kỹ thuật trồng thành tỏi một nhân. Ảnh: Kim Bảo.

Để làm được chỉ có cách ức chế không cho tỏi sinh trưởng theo đúng giai đoạn. Tức là vào giai đoạn sinh đẻ (tỏi 5 đến 7 lá) chỉ cấp lượng dinh dưỡng vừa đủ thay vì bón thúc phân đạm như trước kia. Khoảng cách cây trồng dày hơn, thường là 13 cm một gốc. Để tỏi phát triển một nhân nên trồng khóm 2-3 cây.

Đặc biệt, ông cùng với các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học, Học viện Nông nghiệp I nghiên cứu và sản xuất ra loại vi lượng nano để cung cấp cho cây tỏi trong quá trình sinh trưởng, giúp cây hấp thụ đúng lượng dinh dưỡng cần thiết.

Kỹ thuật này được áp dụng trồng cho sáu ha tỏi ở Gia Bình (Bắc Ninh) trong vụ đông xuân 2017-2018. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng giống tỏi tía truyền thống của Việt Nam, dựa trên nghiên cứu về tập tính sinh trưởng và các giai đoạn phát triển của loại tỏi này để có những tác động kịp thời bằng vi lượng nano, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, phân bón… Kết quả cho thấy, tỷ lệ tỏi một nhân đạt khoảng 76%, có khu vực đạt đến 86%. Năng suất đạt bình quân 280 kg/sào. 

Người dân ở Gia Bình, Bắc Ninh thu hoạch tỏi. Ảnh: Kim Bảo.

Người dân ở Gia Bình, Bắc Ninh thu hoạch tỏi. Ảnh: Kim Bảo.

Ông Phương tiết lộ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình gồm các khâu: chọn giống; xử lý diệt khuẩn và nấm bằng nano bạc; chiếu xạ bằng ánh sáng bước sóng ngắn; xử lý nhiệt cùng với nano vi lượng kích thích tỏi phát triển mạnh; xử lý để diệt những phôi yếu mới sinh; cung cấp ẩm phục hồi cho sự phát triển của mầm.

Toàn bộ quy trình dựa trên cơ chế kích thích sớm sự phát triển những phôi nhánh trước khi trồng để củ tỏi thể hiện tính năng đẻ nhánh sớm. "Khi những nhánh này vừa hình thành, chưa kịp định hình thì điều kiện thay đổi làm chúng thui chột, chỉ có một mầm phôi chính khỏe có đủ sức sống để tồn tại qua điều kiện này. Dinh dưỡng của củ tỏi sẽ được chuyển sang để tập trung nuôi dưỡng phôi này. Đây là thời điểm tốt nhất để mang đi trồng", ông Phương chia sẻ.

Việc xử lý giống đã hạn chế được khá nhiều, tuy nhiên trong quá trình sinh trưởng tỏi vẫn có khả năng đẻ nhánh, do đó cần có chế độ phun nano vi lượng hỗ trợ kìm chế kịp thời. Điều kiện vi lượng của nano kèm theo phân bón trung lượng và đa lượng sẽ không phù hợp về mặt dinh dưỡng cho việc đẻ nhánh mới, buộc cây thay đổi để thích nghi qua giai đoạn này để tiếp tục phát triển mà không cần đẻ nhánh.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
37892
Số người truy cập:
7328853