Đầu tháng 5, anh Huỳnh Phúc Hậu (39 tuổi, Châu Bình, Giồng Trôm) thuê người bón phân cho vườn dừa 2 ha của gia đình, sau nhiều tháng bỏ phế không chăm sóc.
"Giá dừa khô hiện tại ở Giồng Trôm khoảng 40.000-50.000 đồng một chục, tương đương 3.000-4.000 đồng mỗi quả, dù vẫn còn thấp so với những năm trước nhưng cao nhất trong hai năm trở lại đây", anh Hậu nói.
Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng đại dịch, xuất khẩu bị hạn chế khiến giá dừa lao dốc, có thời điểm chỉ còn 1.000 đồng mỗi quả.
Anh Hậu trồng dừa đã hơn 20 năm và dừa cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Những năm trước, dừa khô giá khoảng 70.000-80.000 đồng, có lúc lên đến 120.000 đồng mỗi chục. Bình quân mỗi tháng gia đình anh Hậu hái một đợt dừa khoảng 1.000 quả, thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng.
Nhiều nhà vườn thua lỗ, một số nông dân đốn bỏ vườn dừa lão, trồng lại dừa xiêm uống nước sau 3 năm cho trái và có giá cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Bình (56 tuổi, phường 8, TP Bến Tre), thương lái thu mua cũng cho biết, do giá dừa giảm sâu kéo dài, vườn dừa ít được chăm sóc nên sản lượng, chất lượng cũng giảm mạnh. Bình quân, mỗi ngày ông Bình thu mua khoảng 700-800 quả dừa, bằng một nửa thời điểm những năm trước.
Bến Tre có trên 74.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Khoảng 800.000 dân trong tỉnh (1,3 triệu dân) có nguồn thu nhập chính từ cây dừa. Trong đó, diện tích dừa khô nguyên liệu chiếm đa số với sản lượng khoảng 690 triệu trái một năm.
Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, sau thời gian dừa thế giới bị tồn đọng do Covid-19, đến nay thị trường bắt đầu khơi thông trở lại, khiến giá dừa trong tỉnh cũng tăng theo. Tỉnh này đang tiếp tục thương lượng chính ngạch với hai thị trường tiêu thụ lớn là Mỹ và Trung Quốc, nhằm nâng cao giá để giúp người trồng dừa có thu nhập ổn định hơn.
Hoàng Nam