Dự thảo quản lý siêu thị còn nhiều ý kiến trái chiều

 Theo giải thích của Bộ Công Thương, dự thảo chỉ là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Vụ Thị trường trong nước, đề xuất xây dựng dự thảo nghị định này dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị định về phát triển và quản lý chợ, trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo quản lý siêu thị còn nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh 1.

Một góc trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Mục tiêu Bộ Công Thương khi đưa ra đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối là muốn khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời bảo đảm tính kế thừa các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán, sáp nhập có liên quan; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối; bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Trước đó, nhiều ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đánh giá thấp tính chuyên môn cũng như cần thiết của một số nội dung dự thảo nghị định nói trên. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã bày tỏ lo ngại dự thảo can thiệp sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nguy cơ đẻ thêm giấy phép con… Mới đây, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương cho rằng mục tiêu dự thảo là phát triển và quản lý ngành phân phối, bao gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa, hoạt động mua bán, sáp nhập… là "quá rộng" và "chưa thuyết phục". Sự kết nối và mở rộng từ "chợ" ra toàn bộ "ngành phân phối" như trong dự thảo là khá gượng ép. Liên quan đến một số nội dung cụ thể, hiệp hội cho rằng không nên quy định trần diện tích siêu thị (dự thảo quy định siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2) cũng như bỏ các quy định không thực tế về các dịch vụ bắt buộc có tại siêu thị; thời gian mở cửa cũng như quy định về khuyến mãi và quảng bá tại siêu thị…


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27526
Số người truy cập:
9030543