Các quy định về quản lý siêu thị, trung tâm thương mại tại dự thảo nghị định mới do Bộ Công Thương soạn thảo tiếp tục vấp phải phản ứng của các chuyên gia, doanh nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH
Phóng viên: Được biết, Bộ Công Thương vừa đổi tên dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối thành dự thảo nghị định về quản lý và phát triển hạ tầng thương mại, ông có thể giải thích lý do của sự thay đổi này?
Ông Nguyễn Văn Hội: Sau khi tiếp thu một số ý kiến góp ý, dự thảo đã thu gọn phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trong một số lĩnh vực như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Mục đích là tạo hành lang pháp lý, môi trường minh bạch, thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó bao gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và các hoạt động kinh doanh có liên quan.
Chúng tôi cũng đã xin ý kiến địa phương, bộ ngành liên quan, hiệp hội ngành hàng. Kết quả cho thấy hầu hết các địa phương cho rằng cần thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lĩnh vực này.
Các ý kiến góp ý không chỉ dừng lại ở phạm vi và đối tượng điều chỉnh mà còn đặc biệt phản đối các quy định được cho là phản thị trường, cản trở doanh nghiệp (DN), như: quy định diện tích siêu thị, giờ đóng cửa, số lần khuyến mãi... Phải chăng bộ chưa tiếp thu các ý kiến đóng góp liên quan đến những nội dung này?
- Việc xin ý kiến để hoàn thiện dự thảo cần một quy trình. Hiện, chúng tôi mới làm đến bước điều chỉnh tên gọi gắn liền với đối tượng, phạm vi áp dụng. Còn các nội dung có nhiều ý kiến khác nhau như diện tích, thời gian đóng cửa…, chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến rộng rãi tất cả đối tượng bị tác động và cơ quan quản lý liên quan.
Tôi muốn giải thích thêm về nguyên do dẫn đến bản đề xuất xây dựng dự thảo nghị định có các quy định trên. Đó là dựa trên đề xuất thực tế từ các địa phương gửi về bộ. Mỗi địa phương có đề xuất khác nhau, chúng tôi chỉ tổng hợp lại để đưa ra lấy ý kiến chứ bản thân không quyết định.
Qua khảo sát, bản dự thảo lần thứ 2 với nội dung "bình mới rượu cũ" này tiếp tục vấp phải ý kiến phản đối cho rằng nó cản trở hoạt động của DN, ông đánh giá thế nào về những góp ý này?
- Tôi nói riêng về quy định giờ đóng cửa. Đúng là ở rất nhiều nước, siêu thị, trung tâm thương mại chỉ hoạt động trong giờ cao điểm, họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm xã hội. Nhưng cũng có những nước bảo vệ người lao động, người tiêu dùng bằng cách quy định giờ đóng, mở cửa siêu thị và buộc DN phải chịu cả trách nhiệm xã hội. Thực tế, công nhân làm ca, nhiều người làm nghề dịch vụ có giờ giấc thất thường, không thể đi mua sắm trong giờ cao điểm. Chúng tôi nghĩ đến những điều này và đưa ra nội dung đóng cửa siêu thị sớm nhất lúc 22 giờ để vừa bảo đảm văn minh thương mại vừa phục vụ tối ưu người tiêu dùng.
Tất nhiên, hiện vẫn chưa phải là quy định chính thức và còn nhiều ý kiến tranh cãi. Nếu sau khi lấy ý kiến rộng rãi mà mọi người vẫn cho rằng những quy định này cản trở hoạt động kinh doanh của DN thì chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu.