TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa thụ lý một vụ kiện khá lạ: Bà U. kiện đòi bà L. phải bồi thường 15 triệu đồng vì đã tự ý chặt ba cây lêkima (còn gọi cây trứng gà), gây thiệt hại về thu nhập của bà...
Xây nhà, chặt cây
Theo bà U., trước năm 1975, bà đã tự tay trồng ba cây lêkima trên con hẻm chung trong xóm. Bà thường xuyên chăm sóc, tưới nước cho cây, tạo bóng mát cho mọi người ra vào hẻm. Bù lại, từ xưa đến giờ bà cũng là người duy nhất hái trái cây lêkima đem bán để có thêm thu nhập.
Đầu tháng 3-2010, bà L. ở phía đối diện xây nhà. Không hiểu tại sao bà L. đã chặt ba cây lêkima trên mà không hỏi ý kiến của bà. Việc làm này của bà L. đã làm bà bị thiệt hại về thu nhập. Cụ thể theo bà U., gia đình bà thu hoạch trái lêkima một năm bốn lần, bán được từ 500.000 đến 600.000 đồng. Tính ra, giá trị cây bị chặt và thiệt hại về việc bán trái cây là gần 15 triệu đồng.
Trước yêu cầu đòi bồi thường toàn bộ số tiền trên của bà U., bà L. phản bác: Ba cây lêkima trên mọc tự nhiên chứ không phải do bà U. trồng. Rễ của một cây ăn sâu vào trong phần móng của nhà bà. Bà đã thỉnh thị ý kiến của UBND phường và được nơi đây chấp nhận cho bứng cây để hạn chế khả năng gây nguy hiểm trong mùa mưa bão. Nghe vậy, bà mới đi chặt cây. Bà L. chỉ chấp nhận bồi hoàn 1 triệu đồng vì lẽ ra chỉ chặt cái cây có rễ đâm vào móng nhà mình thì lại đi chặt hết cả ba cây.
Tòa nhờ cơ quan chuyên môn
Không đồng ý, ngày 16-4, bà U. đã viết đơn kiện bà L. ra TAND quận Thủ Đức và được tòa thụ lý.
Qua nhiều buổi tòa tổ chức hòa giải, hai bên vẫn không thỏa thuận được mức giá bồi thường cụ thể. Bà U. kiên quyết yêu cầu bà L. phải bồi thường 15 triệu đồng. Theo bà U., các cây lêkima đã trồng được khoảng 35 năm, lúc bị chặt vẫn còn đang xanh tốt nên sẽ còn giá trị về sau. Do vậy, trong số tiền 15 triệu đồng yêu cầu bồi thường có tính đến tất cả giá trị lâu dài của ba cây lêkima này.
Ngược lại, bà L. giữ nguyên quan điểm ban đầu là chỉ đồng ý bồi hoàn 1 triệu đồng.
Đòi bồi thường nhưng bà U. lại không yêu cầu định giá tài sản tranh chấp với lý do nhà nghèo, không có tiền nên việc định giá theo cách thông thường (thành lập hội đồng định giá tài sản) đã không thể thực hiện được. Dù vậy, để có căn cứ xét xử, mới đây TAND quận Thủ Đức vẫn ra văn bản gửi Phòng Tài chính Kế hoạch quận đề nghị xác định giúp giá trị ba cây lêkima 35 tuổi như trên là bao nhiêu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ tranh chấp này có diễn biến mới.
Nên dĩ hòa vi quý
Nếu xác định đúng ba cây lêkima do bà U. trồng từ năm 1975 thì dù có trồng trên lối đi chung cũng được xem là tài sản của bà. Muốn chặt ba cây này, bà L. phải thỏa thuận với bà U. hoặc yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp chứ không thể tự ý chặt được.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà U. có được tòa chấp nhận không và mức bồi thường cụ thể bao nhiêu sẽ do tòa cân nhắc, quyết định. Tuy nhiên, theo tôi, dù sao thì sự việc cũng đã lỡ rồi, bà U. với bà L. là hàng xóm thì nên dĩ hòa vi quý với nhau để giữ tình cảm láng giềng. Đúng, sai thì chưa biết nhưng chắc chắn theo đuổi vụ kiện này sẽ làm cả hai bên phải tốn nhiều thời gian, công sức và mất mát cái nghĩa, cái tình.
Luật sư LÊ DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
Theo KIỀU NGÂN (Pháp Luật TPHCM)