Doanh nghiệp trong nước gặp khó khi chinh phục thị trường nội địa

 

“Sản phẩm chúng tôi để vào được siêu thị bán trong thị trường nội địa gặp muôn vàn khó khăn, lại bị sắp xếp nằm ở vị trí rất khó thấy nên hàng bán rất chậm” - ông Cù Văn Thành - tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới - nói.

 
Doanh nghiệp trong nước gặp khó khi chinh phục thị trường nội địa - Ảnh 1.

Hiện nay nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đủ chuẩn quốc tế nhưng khi bán tại siêu thị nội địa lại gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: một dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ dừa tại tỉnh Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đó là một trong rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp phân phối TP.HCM và doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL ngày 10-3 tại Bến Tre.

Theo ông Cù Văn Thành, sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong nước chú trọng phát triển thị trường trong nước. Riêng Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới phát triển thị trường nội địa nhiều năm nay. Đặc biệt thời gian gần đây Lương Quới đã đổ vốn để phát triển thị trường nội địa, dù biết chi phí cho thị trường này cũng rất lớn.

"Hiện nay nhiều mặt hàng của chúng tôi có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị, chợ truyền thống nhưng tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Chúng tôi đã là một thương hiệu lớn mà còn gặp khó khăn như vậy thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ còn gặp nhiều trở ngại hơn. 

Điều đáng nói là khi đã đưa được hàng lên kệ siêu thị rồi chưa chắc đã xong, vì hàng của chúng tôi nhiều khi bị xếp vào những vị trí khó thấy, không bắt mắt.

Một điều mà tôi trăn trở nữa là không hiểu vì sao các siêu thị, kênh phân phối lại đánh giá hàng Việt của chúng ta luôn thấp hơn hàng nước ngoài, giá bán thấp hơn dù hàng cùng chất lượng với hàng nước ngoài", ông Thành nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng có quá nhiều rào cản khi đưa hàng lên kệ siêu thị để phát triển thị trường nội địa. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp tỏ ra bức xúc vì một số kênh phân phối gỡ bỏ hàng của họ khỏi kệ vì lý do không rõ ràng.

Tại hội nghị, đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên (SATRA) cho rằng SATRA cũng rất mong muốn phối hợp với nhiều doanh nghiệp để kệ hàng được phong phú hơn. Tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận hàng từ các doanh nghiệp, trong đó có những lý do chủ quan và khách quan. 

 

Một vấn đề mà đại diện SATRA nêu ra tại hội nghị được các doanh nghiệp ủng hộ, đó là các doanh nghiệp muốn bán hàng thông qua các kênh phân phối trong nước cần có nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Trong khi đó, đại diện một chuỗi siêu thị phân phối hàng nông sản tại TP.HCM lại cho rằng hiện chất lượng hàng hóa nông sản của người dân chưa đồng đều, sản xuất chưa theo một quy chuẩn nên rất khó khi lên kệ. Thậm chí, khi đã lên kệ siêu thị được một thời gian nhưng do chất lượng sản phẩm ngày càng đi xuống nên buộc phải gỡ bỏ khỏi kệ siêu thị.

Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng có một thực tế là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp, đang trên đà phát triển rất khó để vào kệ siêu thị.

"Chúng ta đang đầu tư, phát triển hàng Việt Nam chất lượng quốc tế, nhưng để được lên kệ của thị trường nội địa lại rất khó. Vì sao lại như vậy?", ông Hoan đặt vấn đề.

Sau khi nghe từ hai phía, ông Hoan đề nghị các siêu thị dành riêng một khu vực để trưng bày tất cả các sản phẩm của các vùng miền trên cả nước. Đặc biệt không được so sánh với chất lượng hàng hóa của các nước khi đưa hàng hóa vào khu vực này, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước.

"Khó khăn đến từ hai phía, vậy thì chúng ta cùng nhau quảng bá sản phẩm, cùng nhau khuyến khích tiêu dùng. Do sản phẩm mới, nên cần phải tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và chia sẻ lợi ích nhằm quảng bá hình ảnh hàng Việt được rộng rãi hơn", ông Hoan nói.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
5981
Số người truy cập:
8950942