Doanh nghiệp thủy sản đẩy nhanh chế biến hàng giá trị gia tăng

 

Trước cạnh tranh gay gắt về thủy sản nguyên liệu, thủy sản chế biến thô, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến hàng giá trị gia tăng để tăng tốc xuất khẩu, đem lại lợi nhuận cao hơn.

 
Chế biến sâu là một trong những giải pháp tăng giá trị và sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trong thời gian tới - Ảnh: Đ.H.

Chế biến sâu là một trong những giải pháp tăng giá trị và sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trong thời gian tới - Ảnh: Đ.H.

Đây cũng là một trong những định hướng chính cho phát triển thủy sản Việt Nam trong thời gian tới mà Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh.

Công nghệ cao tăng năng suất

Nếu như trước đây các hợp tác nông nghiệp, những hộ dân nuôi tôm thẻ và tôm sú tại Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu bằng hình thức quảng canh và bán thâm canh rất bấp bênh, nhiều dịch bệnh thì nay đã ứng dụng công nghệ cao nên người nuôi tôm đã khắc phục được tình trạng trên và đặc biệt rất hiệu quả.

Điển hình là HTX nông nghiệp Quyết Thắng (TP Bà Rịa). Từ năm 2019, HTX này bỏ 5 tỉ đồng để đầu tư hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh để lọc nước nuôi tôm khép kín (RAS).

Với công nghệ này từ mỗi năm chỉ nuôi được một vụ tôm, nay nuôi được ba vụ/năm, với năng suất đạt 50 - 60 tấn/vụ/5.000m2. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm HTX này lãi khoảng 7-8 tỉ đồng.

"Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, khép kín cần được nhân rộng vì không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn là sự phát triển theo hướng bền vững, lâu dài", lãnh đạo HTX này nói.

Còn HTX nuôi tôm công nghệ cao Chợ Bến (huyện Long Điền) mới thành lập vào cuối năm 2021 và đã thu hoạch được một vụ tôm.

Ông Huỳnh Văn Thuyết - giám đốc HTX Chợ Bến - cho biết qua vụ đầu với 8.000m2 nuôi và 22.000m2 xử lý nước, ao lắng, HTX thu hoạch được khoảng 20 tấn tôm.

Với giá bán từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về sau khi trừ chi phí vào khoảng 30%. "Từ làm ruộng muối giá cả bấp bênh nay chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao có lãi lớn, bà con xã viên rất vui mừng và phấn khởi", ông Thuyết chia sẻ.

Đại diện Tập đoàn Việt Úc cho rằng đầu tư khép kín chuỗi giá trị để tạo ra các sản phẩm cao cấp chính là hướng đi bắt buộc để con tôm Việt Nam không những cạnh tranh tốt với tôm Ecuador, Indonesia, Ấn Độ… mà còn có thể vươn lên hàng đầu thế giới.

Hiện Việt Úc đang sản xuất tôm theo quy trình khép kín từ tôm bố mẹ đến tôm giống, đến nuôi thương phẩm và chế biến tới bàn ăn người tiêu dùng. Việc chủ động nguồn tôm bố mẹ để góp phần hạn chế sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu, chủ động kiểm soát chất lượng tôm bố mẹ để liên tục nghiên cứu và cho ra đời các thế hệ tôm giống công nghệ cao.

 

"Đây là mô hình bền vững cho môi trường với quy trình nuôi ít thay nước, bền vững cho người tiêu dùng với quy trình nuôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, hóa chất, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng", đại diện công ty cho biết.

Chế biến sâu, giá trị cao

Theo tìm hiểu, trước đây khi nguồn nguyên liệu dồi dào, các doanh nghiệp chế biến thủy sản thường chọn phương thức "mổ bụng", "móc mang" và cấp đông rồi xuất khẩu tới những thị trường "dễ tính" như Trung Quốc. Thế nhưng gần đây khi nguyên liệu dần cạn kiệt, các doanh nghiệp đã xoay sang hướng chế biến sâu, tinh chế và hướng đến thị trường "khó tính" như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.

"Nếu như chế biến thô, cấp đông xuất khẩu 1 đồng vốn chỉ bán được 1,5 - 2 đồng còn tinh chế, chế biến sâu sẽ bán được 5, 7 đồng", ông Trần Văn Dũng - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến XNK thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) - cho biết.

Ông Dũng cho hay để gia nhập vào chuỗi giá trị, công ty đã tham gia nhiều hội chợ thủy sản trên thế giới để xem thị hiếu khách hàng, nghiên cứu và tìm hiểu sở thích của họ. "Trên thế giới có mặt hàng mới, chế biến mới nên ngồi một chỗ không thể biết được. Thậm chí chúng tôi mua sản phẩm của họ để về xem mà đầu tư", ông Dũng nói.

Ông Lê Văn Kháng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và XNK Côn Đảo - khẳng định để nâng tầm thủy sản Việt Nam không còn cách nào khác là phải chế biến sâu, phải tinh chế. "Hiện nay Việt Nam hoàn toàn có thể làm như các nước tiên tiến.

Có những nước không có biển họ còn tinh chế được cơ mà. Chỉ cần chịu khó đi học hỏi các nước tiên tiến và thậm chí mời họ cùng đầu tư thì dần dà ngành chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ nâng tầm", ông Kháng nói.

* Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan:

Còn không gian để phát triển sản phẩm giá trị gia tăng

 

Bộ NN&PTNT đang xây dựng một hệ thống các giải pháp đồng bộ phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng hay khai thác thủy sản.

Cũng giống như trong trồng trọt, chăn nuôi thì ngành thủy sản cũng phải làm sao kiểm soát được chất lượng, truy xuất được nguồn gốc.

Gần đây có rất nhiều doanh nghiệp liên quan tới cá tra, tôm đã có những sản phẩm chế biến, những sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến này chủ yếu ở phân khúc giá trị gia tăng chưa cao.

Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành với doanh nghiệp để thấy rằng thủy sản Việt Nam vẫn còn một không gian để tạo ra những giá trị gia tăng, vẫn còn không gian để giảm được chi phí, vẫn còn không gian để chúng ta tiếp cận các thị trường một cách thông minh hơn, phù hợp với xu thế, đòi hỏi càng ngày càng khắt khe hơn.

* Ông Asbjorn Warvik Rortveit (giám đốc khu vực Đông Nam Á - Hội đồng Thủy sản Na Uy):

Việt Nam có thể học hỏi thành công của Na Uy

 

Nghề cá của Na Uy được đánh giá cao trên thế giới nhờ kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo thu hoạch hải sản bền vững, cả từ đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng thủy sản.

Na Uy nổi tiếng về sản xuất các sản phẩm thủy sản chất lượng cao được người tiêu dùng trên khắp thế giới tìm kiếm.

Việt Nam cũng có thể học hỏi từ những thành quả này của Na Uy để phát triển ngành thủy sản của mình.

Thứ nhất, đảm bảo chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Việt Nam cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thứ hai, quản lý nguồn lực biển bền vững sẽ giúp tăng sản lượng và chất lượng các loại hải sản Việt Nam, đồng thời giúp bảo vệ nguồn tài nguyên biển, tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cả và chất lượng.

Thứ ba, đầu tư vào công nghệ và hệ thống giám sát. Thứ tư, cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các kênh truyền thông quốc tế như website, triển lãm, hội chợ, tăng cường hợp tác quốc tế…

Sáng nay (31-3), tại Vũng Tàu diễn ra hội thảo "Phát triển chuỗi liên kết - Nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt" do báo Tuổi Trẻ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức.

Đây là hội thảo thứ ba nằm trong diễn đàn "Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2022.

Tại hội thảo lần này, hơn 200 đại biểu sẽ được nghe các tham luận của những người trực tiếp làm việc liên quan đến nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Trong đó sẽ nhấn mạnh đến việc khẳng định các chuỗi liên kết mang lại thành công cho ngành thủy sản cũng như những mô hình cụ thể kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản với phát triển du lịch.

Trước đó, vào tối 30-3, Gala "Đưa thủy sản Việt lên bàn tiệc thế giới" đã diễn ra hào hứng, đầy bất ngờ.

Đó là món bánh canh cua Cà Mau "thứ thiệt", là món sushi và sashimi từ nguyên liệu cá tra ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) do đầu bếp Matsuo Tomoyuki, chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Việt - Nhật, thực hiện, là món tôm hùm từ Sông Cầu (Phú Yên), hàu Long Sơn (Vũng Tàu).

ĐÔNG HÀ


Giày Đại Phát solution
Số người online:
53170
Số người truy cập:
7213165