Đám tảo khổng lồ trong Nam Đại Dương tách thành hai đám nhỏ hơn trong bức ảnh do vệ tinh Terra chụp hồi tháng 2. Ảnh: NASA. |
Livescience đưa tin đám tảo trong Nam Đại Dương, vùng nước bao quanh Nam Cực, được vệ tinh nhân tạo Terra của Mỹ phát hiện lần đầu tiên từ giữa tháng 2 và hiện nay nó đang bao bọc bờ biển phía đông của Nam Cực. Jan Lieser, một nhà nghiên cứu hải dương làm việc tại Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Khí hậu và Các hệ sinh thái Nam Cực của Australia, nói rằng đây là sự kiện đáng chú ý.
“Chúng ta biết rằng sự bùng nổ của tảo là một hiện tượng tự nhiên trong Nam Đại Dương. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy đám tảo nào lớn như vậy. Nó đã tồn tại hơn 15 ngày, vì thế tôi nghĩ nó đã trải qua 2/3 hoặc chu kỳ sống của nó”, Lieser nói.
Đám tảo trải trên một khu vực có chiều dài 200 km theo hướng đông-tây và 100 km theo hướng bắc-nam.
Chiều dài của đám tảo dọc theo bờ biển Nam Cực lên tới 200 km theo hướng đông-tây. Ảnh:NASA. |
Tảo sinh sôi mạnh mẽ khi ánh sáng và dưỡng chất trở nên dồi dào. Ở Nam Đại Dương, vùng nước bao quanh Nam Cực, cứ mỗi khi nồng độ sắt trong nước tăng thì số lượng tảo bùng phát. Sắt là một trong những dưỡng vi chất quan trọng của tảo biển. Khi tuyết rơi xuống Nam Đại Dương vào mùa hè, chúng mang theo các phân tử sắt. Vì thế nồng độ sắt trong nước biển tăng vọt.
Là mắt xích nằm ở vị trí đầu tiên trong chuỗi thức ăn trong đại dương, tảo hấp thu khí carbon dioxide (CO2) để tạo dưỡng chất thông qua quá trình quang hợp. Tuy nhiên, những đám tảo lớn có thể gây hại cho đại dương. Một số loài tảo sản xuất những chất độc đối với thần kinh của động vật. Nếu ốc, sò, hến, trai ănAlexandrium catanella –loài tảo gây hiện tượng thủy triều đỏ - chúng sẽ trở thành thức ăn nguy hiểm đối với con người. Những người ăn chúng sẽ bị ngộ độc.
Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ tảo từng gây nên ít nhất 4 thảm họa tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử trái đất. Trong những thảm họa ấy, từ 50 tới 90% loài động vật trên địa cầu biến mất vĩnh viễn do ăn những thứ chứa tảo độc.