Công nghệ giúp Stephen Hawking giao tiếp suốt 33 năm mất giọng nói

 

Phần mềm hỗ trợ Stephen Hawking giao tiếp. Ảnh: Business Insider.

Phần mềm ACTA hỗ trợ Stephen Hawking giao tiếp. Ảnh: Business Insider.

Căn bệnh xơ cứng teo cơ (bệnh Lou Gehrig hay ALS) khiến giáo sư Stephen Hawking mất hoàn toàn khả năng nói vào năm 1985, sau một cuộc phẫu thuật giúp cứu sống tính mạng. Sự trợ giúp của công nghệ, đặc biệt là hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng chuyển động cơ má giúp ông có thể tiếp tục giao tiếp được với thế giới, theo Wired.

Hawking ban đầu phải sử dụng thẻ đánh vần để "nói chuyện", bằng cách cử động mi mắt để chọn từng chữ cái và ghép thành câu. Sau đó, ông cùng với một đồng nghiệp của mình là nhà vật lý Martin King đã lên kế hoạch phát triển một hệ thống hỗ trợ giao tiếp mới.

Họ đã liên hệ với công ty Words Plus, nơi sở hữu một chương trình máy tính có tên là Equalizer, cho phép những bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng teo cơ có thể dùng cử động của ngón tay để chọn từ và câu lệnh trên máy tính bằng nút bấm. Ứng dụng giúp giáo sư Hawking có thể nói chuyện với tốc độ khoảng 15 từ/phút. 

Tuy nhiên, các dây thần kinh điều khiển cử động ngón tay của Hawking trở nên thoái hóa theo thời gian, khiến ông không thể sử dụng nút bấm để giao tiếp vào năm 2008. Trợ lý của ông vào thời điểm đó đã thiết kế một thiết bị có tên gọi là "cheek switch", được gắn lên kính của Hawking. 

Thiết bị này sử dụng tia hồng ngoại để theo dõi chuyển động của cơ má. Khi Stephen Hawing cử động cơ má bên phải, con trỏ chuột tự động di chuyển trong bảng chữ cái trên màn hình máy tính sẽ lập tức dừng lại, giúp ông lựa chọn ký tự. Các ký tự sau đó được máy tính xử lý, tổng hợp thành chữ viết và chuyển thành giọng nói.

Tuy nhiên, tới năm 2011, khả năng giao tiếp của Hawking giảm sút với tốc độ chỉ còn 1 - 2 từ/phút. Vì vậy, ông đã gửi một bức thư tới Gordon Moore, người đồng sáng lập của Tập đoàn Intel, để đề nghị được giúp đỡ. Intel tiếp tục phát triển, nâng cấp hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng cử động cơ má và tạo ra một bộ công cụ hỗ trợ giao tiếp nhận diện ngữ cảnh có tên gọi là phần mềm ACTA.

ACTA cho phép máy tính có thể đoán được từ tiếp theo Hawking định sử dụng dựa trên nghiên cứu về các cuốn sách và bài giảng của ông trong quá khứ. Phần mềm do Intel phát triển còn cho phép Hawking di chuyển con trỏ chuột xung quanh màn hình máy tính để truy cập email, xử lý văn bản và trò chuyện video. ACTA  đã được Intel phát hành với bản quyền phần mềm miễn phí, giúp những bệnh nhân xơ cứng teo cơ trên thế giới có cơ hội giao tiếp với mọi người.

Sau hơn nửa thế kỷ chống chọi với căn bệnh quái ác, nhà vật lý học thiên tài Stephen Hawking đã qua đời ở tuổi 76 tại nhà riêng ở Cambridge, Anh hôm 14/3. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với nhân loại, để lại nhiều thương tiếc trong lòng những người yêu mến và cộng đồng nghiên cứu khoa học thế giới.

Đoàn Dương


Giày Đại Phát solution
Số người online:
23099
Số người truy cập:
8733429