Các chuyên gia Mỹ hiện đã tạo được giống tằm biến đổi gien có thể nhả ra một loại tơ “lai”. Loại nguyên liệu mới này có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp dệt, có thể sử dụng để may quần áo chống đạn hoặc sản xuất gân nhân tạo. Ông Malcolm Fraser, chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Notre Dame du Lac ở Indiana, cho biết: “So với tơ nhện thông thường, tơ này hiện không bền bằng. Nhưng tôi tin rằng với nỗ lực đầu tiên này, chúng ta sẽ có thể cải tiến để loại tơ được tạo ra bền như tơ nhện thực sự”.
Con tằm biến đổi gien của các nhà nghiên cứu Mỹ - Ảnh: University of Notre Dame du Lac
|
Fraser đã hợp tác với giáo sư Randy Lewis thuộc Đại học Wyoming phát triển giống tằm nhả tơ nhện này. Tằm đã giúp nhả tơ làm quần áo phục vụ con người từ hàng ngàn năm nay bằng cách đều đặn sản xuất ra số lượng lớn một loại vật liệu mềm mại, dẻo dai và cũng rất sang trọng. Trong khi đó, lụa từ tơ nhện bền hơn nhiều so với lụa tơ tằm - bền đến độ nó có thể bọc dây thép tốt nhất - nhưng rất khó kiếm đủ số lượng. “Chúng chưa thể sản xuất đủ tơ”, ông Fraser nói khi nhấn mạnh rằng miếng vải vàng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ ở New York dệt từ tơ của hơn một triệu con nhện.
Loại tơ mới là sản phẩm lai giữa tơ nhện và tơ tằm. Nó bền và mịn hơn tơ tằm, nhưng vẫn chưa bằng tơ nhện. Theo Cheryl Hayashi, một chuyên gia về tơ nhện và là giáo sư tại Đại học California-Riverside, đây là một thành tựu đáng chú ý. Các nhóm khác đã từng sản xuất protein tơ nhện trên cây trồng, bằng vi khuẩn và thậm chí cả trong sữa dê. Nhưng protein tơ nhện không giống như tơ nhện được kéo thành sợi. Tằm có các bộ phận cơ thể cần thiết để biến protein đó thành sợi tơ và sản xuất với số lượng lớn.
Dù loại tơ sợi mới được đánh giá là có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp dệt, Fraser và các cộng sự đang tính đến các kế hoạch lớn hơn. Trong công trình hiện tại, nhóm nghiên cứu chỉ thay thế một trong nhiều gen sản xuất tơ tằm bằng các gien tơ nhện. Đặc biệt, họ hy vọng sẽ chèn gen của loài nhện Darwin’s Bark (tên khoa học là Caerostris darwini) mới được phát hiện ở Madagascar, có khả năng sản xuất tơ bền gấp đôi so với bất kỳ loại tơ nào khác. Cụ thể, nó bền hơn 10 lần so với Kevlar, một loại vải thường được dùng trong áo khoác chống đạn.
Theo các nhà khoa học Mỹ, tơ nhện cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, loại bỏ hoặc làm giảm nhu cầu sử dụng thiết bị cố định gân và dây chằng...
Khang Huy (Theo AFP)