Thông tin trên vừa được ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết. Đây sẽ là bước tiến giúp hoạt động tiêu thụ nông sản này tích cực hơn.
Tại diễn đàn kết nối nông sản 970 mới đây, ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, cho hay tỉnh này vừa đưa chanh leo vào danh sách một trong 4 cây ăn quả chủ lực của tỉnh và có diện tích lớn nhất cả nước với 4.000 ha. Đến 2025, tỉnh này định hướng phát triển cây chanh leo lên 20.000 ha, trở thành thủ phủ chanh leo lớn nhất cả nước.
Theo Cục Trồng trọt, chanh leo nằm trong top 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Năm năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%. Xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.
Hiện, chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ. Bộ đang đàm phán mở cửa thị trường cho chanh leo quả tươi vào các thị trường lớn khác như Australia, Nhật Bản, Thái Lan.
Năm nay, sản lượng chanh leo ước tính đạt 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. Đây là cây trồng được các địa phương đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận mỗi ha chanh leo lên tới 350-400 triệu đồng.
Bên cạnh chanh leo, sầu riêng cũng đang được Trung Quốc dự thảo nghị định thư, dự kiến ký trong năm nay. Với thị trường Mỹ, quả bưởi cũng đang hoàn tất các bước cuối cùng để được xuất khẩu.
Hồng Châu