Khu vực rộng đến cả trăm mét vuông, đổ bê tông kiên cố, quây tôn 4 phía, kéo dài từ trụ B7 - B9 của gầm cầu Thăng Long. Không chỉ Hà Nội, nhiều chủ buôn từ Hưng Yên, Bắc Ninh cũng về đây “đánh hàng”.
Cả trăm tấn máy móc cũ bày ngổn ngang được chủ cơ sở giới thiệu là hàng nội địa Nhật Bản với đủ loại, từ máy khoan, máy bơm nước, máy phát điện đến điều hòa, tủ lạnh, máy giặt.
Dù là đồ cũ nhưng các loại máy móc ở đây có giá không hề rẻ. Một chiếc máy cắt đời cũ có giá gần 2.000.000 đồng, những loại máy giặt, tủ lạnh cũ cũng có mức giá dao động từ 3.000.000–6.000.000 đồng.
Chủ cửa hàng cho biết, mỗi lần xưởng của anh nhập về cả trăm tấn hàng nhưng cứ đăng lên Facebook là mọi người biết đến và qua lấy hàng. “Hàng nhập về chỉ mấy ngày là vãn, chúng tôi lại chuẩn bị nhập đợt hàng mới”, người đàn ông này cho hay.
Anh Hưng, chủ một cửa hàng ở Hà Nam lên nhập hàng, cho biết: “Tôi biết đến cửa hàng qua Facebook, hôm nay đến để xem hàng và đang có ý định nhập một số lượng hàng điện tử, điện lạnh cũ về tiêu thụ”.
Chị Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, qua người quen giới thiệu nên muốn đến chọn một chiếc tủ lạnh cũ về sử dụng.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Duy Út - cán bộ phòng kỹ thuật (Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái), đơn vị được giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt trên khu vực cầu Thăng Long - cho biết: “Hoạt động của khu xưởng nói trên đã lấn chiếm nghiêm trọng hành lang an toàn cầu Thăng Long. Sự việc này, chúng tôi đã phát hiện cách đây hơn một năm nhưng đến giờ chưa thể giải quyết dứt điểm vì sự thiếu hợp tác của một số cơ quan quản lý nhà nước”.
Tiếp nhận thông tin phản ánh của PV, ông Nguyễn Văn Lựu - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 9 (địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội) - cho biết: “Chúng tôi sẽ cử cán bộ khẩn trương thâm nhập, thu thập thông tin về hoạt động buôn bán hàng hóa dưới chân cầu Thăng Long. Nếu thấy dấu hiệu vi phạm, đội sẽ gửi văn bản đề nghị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra và truy xuất hàng hóa để xác minh rõ nguồn gốc, xuất xứ”.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận được: