Các nhà khoa học cho rằng hành động giao phối nhiều khả năng đã xuất hiện từ đầu Kỷ Devon thuộc đại Cổ sinh, cách đây 400 đến 410 triệu năm. Việc này “không chỉ để duy trì nòi giống trong nước, mà còn phục vụ cho nhu cầu vui vẻ của cá”, theo trưởng nhóm dự án John Long, người cho rằng bộ phận hàm của loài này đã tiến hóa cùng với hoạt động tình ái.
"Hàm cá dường như không phát triển cho mục đích ăn uống giống như các suy đoán trước đây, mà nhằm để phục vụ cho nhu cầu ân ái của cá”, ấn phẩm Naturedẫn lời nhà khoa học Long, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu và thu thập mẫu vật của Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Los Angeles (Mỹ).
Ông này cho hay trong nhiều loài cá mập, hàm dùng để giữ vảy ở ngực cá cái để hoạt động giao phối có thể diễn ra.
Các chuyên gia đã nghiên cứu phôi hóa thạch, trong tình trạng bảo quản tốt, từ thời cuối Kỷ Devon của các loài cá da phiến ptyctodontid và arthrodiran, tương tự như cá mập hiện đại.
Trong khi những hóa thạch này có cách đây 380 triệu năm, những ghi nhận khi nghiên cứu tổng quan hóa thạch đó cho thấy chúng đã phát triển khả năng giao phối từ đầu Kỷ Devon.
Chuyên gia Long và các đồng sự đã tạo tiếng vang cách đây vài năm sau khi tuyên bố một trong những loài cá, một cá thể của dòng Materpiscis, là bà mẹ đầu tiên trên thế giới. Con cá mẹ đã được tìm thấy với một bào thai đơn trong bụng, nối với dây rốn. Phát hiện này là chứng cứ cổ xưa nhất cho thấy một sinh vật có thể sinh con.
"Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những loài cá da phiến đã tuyệt chủng này, loài placoderm, từng có quan hệ tình dục với con đực dùng mấu bám giao cấu để phát tán tinh trùng vào cơ thể con cái”, Tiến sĩ Long nói.
Phát hiện trên hết sức quan trọng vì điều này cho thấy hình thức sinh sản cao cấp bao gồm hành động giao phối và mang thai con xuất hiện rộng rãi trong tự nhiên so với suy nghĩ trước đây.
Kết quả phân tích gien của cá hóa thạch gần đây cho thấy một nhóm gien tương tự chịu trách nhiệm cho sự tạo thành các chi và vi hậu môn của cá cũng đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các cơ quan sinh dục của những tổ tiên vô cùng xa xôi của chúng ta.
Những gien này cũng kiểm soát sự phát triển hàm cá. Chứng cứ cho thấy sự ra đời và tiến hóa của vi hậu môn và hàm cá dường như xảy ra cùng lúc.
Steven Salisbury, giảng viên của Đại học Queensland (Úc), cho rằng các hóa thạch cá cổ đại, bao gồm cả bào thai hóa thạch, là những phát hiện vô cùng ngoạn mục, góp phần xây dựng hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa của quy trình mang thai con ở loài có xương sống.
Theo Salisbury, kích thước lớn của bào thai so với cá mẹ cho thấy cá con được sinh ra trong hình hài hoàn chỉnh. Đây có thể là chiến lược góp phần chống lại sự ăn thịt của các loài cá lớn khác.
Hạo Nhiên