'Bốn mùa trên xứ phù tang' - sách tái hiện nét quyến rũ của Nhật Bản

 Sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang tái hiện trọn vẹn tình cảm lữ khách - tác giả Nguyễn Chí Linh - qua 5  lần đến Nhật. Anh tự nhận: "Tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo trong thế giới viết lách. Chỉ viết những gì mình từng biết và hiểu trong ánh mắt gã nhà quê".

Bìa sách Bốn mùa trên xứ phù tang.

Bìa sách "Bốn mùa trên xứ phù tang".

Tập du ký ra đời sau hơn 10 năm từ ngày đầu Nguyễn Chí Linh đặt chân đến Nhật. Thời điểm đó, du lịch Nhật Bản chưa cởi mở như hiện nay và không dễ để có visa đến Nhật. Với tác giả, mỗi lần đến Nhật là một lần được trở về nhà. Tình yêu ấy được anh truyền qua từng trang sách, để rồi độc giả như cảm giác được một người dắt tay thong dong thưởng lãm nét đẹp khó cưỡng của xứ sở này. 

Như bao người đi trước, mỗi lần đến Nhật, Nguyễn Chí Linh đều cảm nhận được đây là một đất nước quá lạ lùng. "Mỗi một lần quay lại, tôi lại được học thêm những cái mới vừa hình thành song hành với những điều cũ, được nghe những câu chuyện nhỏ thật hay và cũng đầy sắc màu trên các cung đường", anh kể.

Lần theo những bước chân ngang dọc của tác giả, người đọc lần lượt đi qua Tokyo năng động, hiện đại, cố đô Kyoto cổ kính, đảo Hokkaido - vùng đất của những vị thần, vùng thương cảng Nagasaki, Hiroshima gợi nên ký ức thương đau… Mỗi nơi lại ẩn giấu một vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng. Đến mỗi nơi, Nguyễn Chí Linh không mang tâm thế "cưỡi ngựa xem hoa" mà thực sự hòa mình vào cuộc sống người bản xứ, cùng ăn cùng chuyện trò với họ.

Có những điều chưa hiểu, Nguyễn Chí Linh sẽ hỏi những người bản địa cho đến chừng tường tận. Và vì vậy, những bí ẩn về văn hóa, về lịch sử dần dần hiển lộ qua những cuộc chuyện trò đó. Tập du ký cung cấp cho người đọc những điều thú vị như biết được một bát mỳ Udon như thế nào là ngon, vì sao người Nhật yêu thích hai gam màu trắng - đen, mối quan hệ giữa các Geisha và Maiko ra sao...

Với độc giả từng đắm mình trong thế giới của tiểu thuyết Kim các tự (hay còn được biết đến ở Việt Nam với tên gọi Ngôi đền vàng, nhà văn Yukio Mishima), đọc Bốn mùa trên xứ Phù Tang là dịp để chiêm ngưỡng lại ngôi đền Kinkaku-ji nổi tiếng, từng được UNESCO công nhận cụm di sản văn hóa thế giới cùng với ngôi đền Gingaku-ji. Qua góc nhìn của Nguyễn Chí Linh, vẻ đẹp đền Kinkaku-ji được ví như "một bức tranh tuyệt đẹp hiện hữu trước mắt khiến chẳng ai muốn rời đi". Và giống như vị sư trẻ trong cuốn tiểu thuyết, sự quyến rũ của ngôi đền cũng khiến tác giả mụ mị đến "quên cả việc ngắm nhìn các cụm sân vườn bao quanh".

Tác giả giãi bày: "Tôi đã rong chơi theo những cánh hoa anh đào trắng mỏng tang giữa làn sương lạnh mùa xuân, đi qua những giọt nắng vàng của mùa hè với những chú đom đóm nhỏ lạc loài, rồi tâm hồn lãng đãng như một đứa trẻ đi nhặt từng chiếc lá phong rơi trong gió thu se lạnh và hứng trọn những hạt mưa tuyết lạnh lùng của mùa đông trong lễ hội hoa đăng trên xứ Phù Tang".

Hồ Huy Sơn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4846
Số người truy cập:
10115596