Theo báo cáo ICT Index 2017, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu 20 bộ ngành về khả năng triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả được đánh giá dựa trên 4 chỉ số: hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, ứng dụng, mức độ sẵn sàng phát triển công nghệ thông tin.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp Bộ Tài chính đạt được thứ hạng cao nhất, sau 5 năm thực hiện chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước, và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Bộ Tài chính quản lý văn bản và điều hành công việc qua giao diện phần mềm eDocTC. |
Thực tế, phần mềm quản lý văn bản được Bộ Tài chính bắt đầu triển khai từ năm 2008 cho 24 đơn vị. Song do công nghệ lỗi thời không đáp ứng được yêu cầu xử lý dữ liệu, nên bộ đã phối hợp với Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm CMC xây dựng hệ thống quản lý văn bản và điều hành ngành tài chính mới eDocTC.
Chương trình quản lý văn bản và điều hành eDocTC góp phần đảm bảo việc kết nối liên thông văn bản giữa Bộ Tài chính và các đơn vị trong ngành Tài chính cũng như Văn phòng Chính phủ. Đây là nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử theo nghị quyết 36a/NQ-CP.
Ông Võ Anh Trung - Cục phó Cục Tin học và Thống kê Tài chính cho biết, từ 12/2015, eDocTC được tiến hành cài đặt và triển khai thử nghiệm. Hệ thống này quản lý văn bản đến và đi, tờ trình, hồ sơ công việc, chỉ đạo của cấp trên… giúp đáp ứng công tác quản lý văn bản và điều hành của các lãnh đạo.
Đến tháng 9/2016, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc liên thông văn bản điện tử giữa bộ và các đơn vị trực thuộc, giữa bộ và Văn phòng Chính phủ. Văn bản chuyển từ đơn vị gửi đến đơn vị nhận mất chưa đầy 5 phút, rút ngắn đáng kể thời gian xử lý công việc so với trước đây.
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, có 300.360 văn bản điện tử được trao đổi nội bộ ngành, 6.326 văn bản trao đổi với Chính phủ qua eDocTC. Bà Nguyễn Hồng Hà - Phó phòng Quản lý Công nghệ Thông tin, Cục Tin học và Thống kê nhận định điểm cốt lõi giúp dự án thành công chính là trục liên thông văn bản toàn ngành tới 4 cấp.
Tại Tổng cục Thuế, chương trình được triển khai ở trụ sở, 3 cục (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh) và 53 chi cục. Ông Phạm Công Sơn - Phó chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, trước đây việc tìm kiếm hồ sơ gặp nhiều khó khăn và tốn kém thời gian, do thực hiện thủ công. Song sau khi áp dụng phần mềm, nhân viên thuế có thể tra cứu dễ dàng chỉ bằng vài cú nhấp chuột.
Còn ở Kho bạc Nhà nước, có 14 vụ, cục, đơn vị sự nghiệp và 6 tỉnh thành (Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đắk Lắk, Hà Giang) đang triển khai phần mềm. Theo Phó chánh văn phòng Lê Văn Khoa, tình trạng thất lạc văn bản giấy, sai lệch thông tin do mực in mờ dần, tài liệu lưu trữ trong kho bị ẩm mốc... nay cũng không còn.
Ông Đỗ Văn Trường - Phó chánh văn phòng Bộ Tài chính cũng đánh giá cao vai trò hỗ trợ quản lý văn bản điện tử của phần mềm. Hiện, gần 100% văn bản đến và đi không thuộc loại mật của các đơn vị trên đã được quét lên phần mềm. Chương trình chuyển đổi phương thức làm việc từ xử lý văn bản giấy sang văn bản điện tử giúp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ ngành tài chính và tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng in ấn mỗi năm.