Bi hài văn hóa pháp đình - Bài 2: Bên buộc, bên gỡ


 
 
 
“Đưa HĐXX vào vùng tăm tối”

Kể về một kỷ niệm ở phiên tòa Epco - Minh Phụng cách đây cả chục năm, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Trong phần tranh luận giữa luật sư và công tố viên (CTV) tại phiên tòa, CTV tranh luận như thế này: “Luật sư N. đã lập lờ đánh lận con đen, đưa HĐXX vào một vùng tăm tối của tư tưởng...”.

 

 

 Minh họa: DAD

 

Từ khi thực hiện cải cách tư pháp, rõ ràng chất lượng tranh tụng tại phiên tòa đã được cải thiện. Tuy nhiên, đâu đó vẫn thấy “sạn” khi đôi bên đôi co, mạt sát nhau như có phiên xử CTV bảo: “Tôi không biết luật sư học luật ở đâu”. Luật sư cũng không vừa: “Tôi học ở trường mà CTV học”. Hay tại một phiên tòa diễn ra ở Đắk Lắk, trong phần tranh luận, luật sư bảo Viện kiểm sát “truy tố bị cáo như thế là vô nhân đạo”. Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng không vừa khi độp lại: “Bài bào chữa của luật sư trơ trẽn như lời biện hộ của bị cáo”.

 

 
Ông Nguyễn Văn Tùng, Kiểm sát viên cao cấp Viện Thực hành công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM cho biết ông từng bị luật sư nhắc nhở "CTV chưa tranh luận hết các vấn đề luật sư đề cập", khi đó ông nói xin lỗi và tranh luận tiếp vì một lý do tế nhị mà trước đó ông chưa tranh luận. Theo ông Tùng, không chỉ CTV mà câu chuyện luật sư xin lỗi trước tòa thay cho bị cáo đối với gia đình bị hại trong vụ án giết người cũng là một nét văn hóa. Bên cạnh đó, để pháp đình có văn hóa, tranh luận có kết quả không mạt sát nhau, đòi hỏi kiểm sát viên phải biết lắng nghe, có thái độ bình tĩnh, kiên quyết, có tình, có lý; đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật... 
 

 

Luật sư thường kêu ca, CTV “lười” cãi, khi không muốn cãi nữa thì kết thúc bằng câu: “Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố” làm luật sư cụt hứng. Nhưng cũng có phiên tòa đôi bên đều cãi “hăng” đến mức căng thẳng, đốp chát ngay tại tòa hoặc phản ứng bằng cách bỏ về. Chúng tôi từng chứng kiến ở một phiên tòa hình sự, thay vì tranh luận CTV bĩu môi: “Không hiểu luật sư kinh nghiệm bao nhiêu năm rồi mà lại bào chữa như thế?” khiến luật sư nổi nóng, dẫn đến đôi bên cãi nhau.

Đối với luật sư đã thế, bị cáo đôi khi cũng lãnh “đạn”. Từng có trường hợp sau khi vị đại diện Viện kiểm sát đọc phần luận tội, một bị cáo không nắm được trình tự phiên tòa xin phát biểu. HĐXX chưa kịp giải thích thì vị công tố này quát bị cáo “im mồm!”.

“Luật sư nói... nhỏ thôi”

Còn nhớ từng có trường hợp, trong phần thẩm vấn bị cáo, luật sư ngồi hỏi thay vì đứng liền bị HĐXX nhắc nhở “đề nghị luật sư đứng dậy khi thẩm vấn”. Vị luật sư làm theo nhưng sau đó gửi đơn đến lãnh đạo tòa này phản ánh. Theo vị luật sư thì luật không quy định “luật sư phải đứng khi thẩm vấn”, mặt khác khi thẩm vấn, luật sư vừa hỏi vừa ghi chép, phải đứng khom lưng để viết sẽ rất khó khăn. Không biết, có phải xuất phát từ lá đơn này hay không mà sau đó tham dự nhiều phiên tòa khác chúng tôi không thấy HĐXX nhắc nhở chuyện luật sư đứng hay ngồi.

Căng thẳng hơn, một lần, tại một TAND quận, trước khi luật sư bào chữa vị thẩm phán “nhắc” luật sư nói ngắn gọn. Luật sư nói ngay: “Sao HĐXX biết tôi nói dài mà yêu cầu?”. Vị chủ tọa “đe”: “Không chấp hành thì đi ra ngoài”. Tương tự, cách đây không lâu trong vụ tranh chấp quyền sở hữu một cây xăng ở Q.Tân Bình (TP.HCM), khi luật sư H. vừa đứng lên chưa kịp trình bày lời biện hộ thì vị chủ tọa đã “sửa lưng”: “Đề nghị luật sư nói những vấn đề mới, còn những cái trình bày rồi không nhắc lại, tránh mất thời gian”. Vị luật sư, mặt lạnh như tiền, trả đũa ngay: “Tôi cũng xin nhắc HĐXX rằng đã đứng ở đây là tôi hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình. Tôi biết làm gì và không nên làm gì”. Thấy tình hình “căng”, vị chủ tọa dịu giọng: “Tòa chỉ muốn nhắc luật sư đi thẳng vào vấn đề thôi”. Sau đó, mỗi lần thực hiện quyền của mình tại tòa, vị luật sư này luôn rào đón bằng câu mở đầu: “Để tránh mất thời gian của HĐXX, tôi xin đi thẳng vào vấn đề...”.

Mới đây, tại phiên tòa xét xử một nữ bị cáo phạm tội “lừa đảo”, vị luật sư trẻ phản ứng bằng cách “ngủ” vì cho rằng phiên tòa vi phạm thủ tục tố tụng. Còn trong vụ án "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng, một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đã bỏ ra về phản ứng việc chủ tọa phiên tòa hạn chế thời gian bào chữa trong vòng mười phút. Cũng có phiên xử, HĐXX ra lệnh: "Luật sư ngồi xuống, không được nói nữa". Dưới góc độ văn hóa, đây là những hình ảnh không đẹp của cả hai bên.

Chuyện đôi co giữa thẩm phán và luật sư xảy ra như cơm bữa, trong vụ án Phan Thị Yên Phương bị truy tố xét xử về tội “lừa đảo”, khi một luật sư bào chữa cho bị cáo thì bị tòa bắt lỗi liên tục như: “đề nghị luật sư bào chữa thẳng vào nội dung vụ án”, “luật sư trình bày với tòa sao nói trống không thế”, “đây không phải trường luật, không cần luật sư đọc luật như giảng bài”... vị luật sư bức xúc “phang”: “chủ tọa không đủ tư cách...”. Hậu quả là vị luật sư bị mời về chỗ ngồi kèm theo đó là lời cảnh cáo “sẽ có văn bản kiến nghị của tòa gửi đến Sở Tư pháp và Đoàn luật sư”.

Trước đây, tại một phiên tòa dân sự xét xử một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, khi luật sư đang hào hứng trình bày căn cứ pháp lý liên quan đến nội dung vụ án thì bỗng dưng cô thư ký gắt: “Này, luật sư, ông nói nhỏ thôi. Nói to như thế tôi không thể nào ghi biên bản được...”. Như bị dội gáo nước lạnh, vị luật sư sững người, trong khi cô thư ký vừa kịp nhận ra mình đang ngồi giữa công đường, cùng lời nhắc nhở của vị chủ tọa.

Nhóm PV CT-XH


Giày Đại Phát solution
Số người online:
25319
Số người truy cập:
9275330