Thung lũng Mường Hoa hình chảo nghiêng là nơi "tọa lạc" của những bãi đá cổ huyền bí. Tại ba xã Tả Van, Sử Pán và Hầu Thào quanh con suối Hoa có những dải đá màu đen tuyền được bảo vệ nghiêm ngặt.
Những hình khắc bí ẩn
Trong chuyến đi Sa Pa để tìm hiểu về bãi đá cổ huyền bí, chúng tôi nhờ anh Lý Báo Thờ người Dao bản địa kiêm hướng dẫn viên lần mò đến từng bãi đá có hình khắc tại 3 xã dọc thung lũng Mường Hoa.
Những bãi đá đủ mọi kích cỡ hình thù nằm ngổn ngang bên con suối Hoa hiện ra với những hình khắc như mặt trời, vòng tròn méo, hình sao 6 cánh, hình người, hình bánh xe bát quái... và những ký tự lạ. Điều đáng nói, mỗi bãi đá có một kích cỡ, độ nông sâu và hình khắc khác nhau.
Tại Hầu Thào, các viên đá riêng lẻ tập trung thành hai bãi lớn. Bãi thứ nhất nằm cạnh bản Pho - bản người Mông cuối dòng suối. Tại khu vực này, số lượng đá không nhiều nhưng tập hợp những khối đá lớn nhất. Có khối đá chiều dài lên tới trên 12m và số hình khắc tại các khối đá lớn này cũng dày đặc hơn, đa dạng hơn. Theo anh Lý Báo Thờ thì đấy là "quyển sách" lớn nhất của tổ tiên để lại.
Bãi đá thứ hai nằm giáp ranh hai xã Hầu Thào và Lao Chải bên cạnh con đường chính dẫn bản người Mông tới nơi người Dao đỏ sinh sống. Đây là bãi đá rộng nhất với trên 100 khối to nhỏ khác nhau. Người bản địa cũng có tên gọi riêng cho khu đá này là "thư viện trời". Điều đáng chú ý là nơi đây có những hình khắc độc bản (xuất hiện duy nhất một lần - PV).
Theo một số tài liệu lịch sử và dân tộc học, các hình chạm khắc trên bãi đá cổ Sa Pa có thể quy về các nhóm chính: Hình nam nữ giao phối, hình tròn cấu trúc thời kỳ văn hóa Hoa Lộc, các đường vạch của quẻ Kinh Dịch... tất cả những hình khắc ấy đều rất khúc triết, rõ ràng thể hiện ở thời kỳ nguyên sơ khi con người còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.
Lời nguyền người xưa
Anh Lý Báo Thờ cho hay, từ thời tổ tiên cha ông vẫn truyền lại những câu chuyện mang tính thần thoại về lời nguyền được khắc trên bãi đá. Cha của Thờ là ông Lý Báo Muôn cũng là một "nhà nghiên cứu bản", ông khá quan tâm đến những câu chuyện bí ẩn ấy và ra sức sưu tầm từ mấy chục năm nay.
Người bản địa vẫn tin vào lời nguyền từ bãi đá cổ
Theo người bản địa, lời nguyền trên bãi đá cổ được tổ tiên truyền lại như tục phải tế thần núi rừng vào các dịp lễ. Nếu trái với lời nguyền thì con cháu sẽ bị trừng phạt. Hay việc cưới vợ gả chồng theo tập tục, tục chọc sàn, kéo vợ của người Mông... đều có liên quan đến lời nguyền.
Nhưng theo ông Muôn, thần thoại thì vẫn là huyễn hoặc nên người dân chỉ biết câu chuyện ấy mà kể lại cho con cháu. Còn những hình khắc và lời nguyền thực sự thì cả bản không ai biết, càng không thể lý giải.
“Để xác định niên đại của hình vẽ trên bãi đá cổ Sa Pa không khó so với khoa học hiện đại. Tuy nhiên, dựa vào những phương pháp như: So sánh trình độ đồ họa và trình độ của ý tưởng trong đồ họa; Tính chất vật lý các rãnh: Độ rộng trung bình, độ rộng lớn nhất và độ rộng nhỏ nhất, độ thẳng trung bình... với hai phương pháp thông thường này có thể phần nào xác định niên đại hình vẽ. Nếu so sánh tính chất hóa học các chất có trên mặt rãnh bằng định vị C và so sánh tính chất sinh học thì độ chính xác cao hơn”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh