Ở Hàn Quốc, không cơ quan, đơn vị nào công nhận Mumuso là thương hiệu của quốc gia này, theo tờ Korea Times. Thậm chí, Mumuso còn không có văn phòng tại đây. Trụ sở chính của Mumuso đặt tại Thượng Hải, Trung Quốc. Bên cạnh đó, cán bộ công ty và hầu hết các nhân viên cũng đều là người Trung Quốc, sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.
Căn cứ duy nhất khiến Mumuso thành công “giả danh” thương hiệu Hàn Quốc là giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) cấp vào năm 2015.
Một cửa hàng Mumuso ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Yonhap. |
"Nhưng Mumuso vẫn không phải là một công ty Hàn Quốc. Đó chỉ là một công ty giả danh thương hiệu Hàn Quốc", một quan chức của KIPO khẳng định với Korea Times. "Lấy giấy chứng nhận ở đây không có nghĩa là công ty đó là của người Hàn Quốc. Ví dụ, Apple cũng có chứng nhận riêng của họ ở đất nước chúng tôi, nhưng Apple không phải công ty của Hàn Quốc".
Mumuso, Ilahui và Mini Good nằm trong số các doanh nghiệp “giả danh” của Trung Quốc xuất hiện khắp châu Á. Theo Korea Times, những công ty này vờ như các sản phẩm có xuất xứ Hàn Quốc để thu hút nhiều khách hàng hơn trong khu vực, đặc biệt là tại những quốc gia mà người trẻ hâm mộ nền văn hóa Kpop.
Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại-Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), chỉ tính riêng ở Việt Nam, trong 2 năm qua, khoảng 100 cửa hàng như vậy đã được mở ra.
|
Các sản phẩm được giới thiệu bằng thứ tiếng Hàn "trúc trắc" nhưng sản xuất ở Trung Quốc. Ảnh: Yonhap. |
"Phương tiện truyền thông Việt Nam và nhiều người dân ở đây cho rằng Mumuso như là một thương hiệu Hàn Quốc", ông Nguyễn Giang, một luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. "Tôi không mua hàng tại Mumuso vì tôi nghĩ rằng họ bán các sản phẩm chất lượng thấp được sản xuất từ Trung Quốc".
Các quan chức chính phủ Hàn Quốc cùng với các công ty trong nước cũng cảm thấy lo ngại về sự phát triển này.
"Nhiều doanh nghiệp sợ rằng các thương hiệu giả danh Hàn Quốc có chất lượng thấp sẽ làm mờ đi danh tiếng của các sản phẩm của Hàn Quốc chính hãng", một quan chức của KIPO cho biết. "Vấn đề là rất khó để trừng phạt các công ty như vậy ở quốc gia khác vì tính hợp pháp của quyền sở hữu trí tuệ có thể khác nhau".
Cuối cùng, quan chức này cho biết KIPO đã yêu cầu chính phủ Việt Nam hợp tác trong việc giải quyết vấn đề này. "Cơ quan chính phủ hứa sẽ làm như vậy và chúng tôi đang mong đợi phản ứng của họ", ông nói.
Theo Vietnam News, một tờ báo tiếng Anh có trụ sở tại Hà Nội, Bộ Công thương Việt Nam vừa công bố Mumuso đã vi phạm luật thương mại. Bộ xác nhận công ty Mumuso không cung cấp tài liệu để làm rõ nguồn gốc của hàng hoá và công nghệ sản xuất, đồng thời nói rằng họ cung cấp "thông tin không đầy đủ và sai lệch cho khách hàng".
Bài báo cho biết Bộ Công thương Việt Nam đã ra lệnh kiểm tra Mumuso từ ngày 25/5 vừa qua để xác nhận xem doanh nghiệp này có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Hàn Quốc hay không và xác minh việc không cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng.
PHƯƠNG PHƯƠNG