Một sông băng tại Nam Cực đang tan chảy. Ảnh: ecoenquirer.com. |
Đây là kết luận của bản báo cáo công bố tại Geneva hôm 25/2, tóm tắt kết quả nghiên cứu của hàng nghìn nhà khoa học từ 60 nước trong chương trình Năm địa cực quốc tế (International Polar Year). Họ đã nghiên cứu Nam Cực trong 2 năm (2007-2008) và có một số phát hiện đã được công bố trước đó.
Giới khoa học từng tin rằng hiện tượng tan băng chỉ xảy ra ở bán đảo Nam Cực – một dải đất hẹp hướng về phía nam của châu Mỹ. Nhưng dữ liệu từ vệ tinh và các trạm dự báo thời tiết tự động tại Nam Cực cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. “Hiện tượng tan băng đang xảy ra ở phía tây của Nam Cực. Đó là điều không ai nghĩ tới”, Colin Summerhayes, giám đốc chương trình nghiên cứu Nam Cực của Anh, thông báo.
Trong nhiều năm qua, lục địa nằm ở đáy hành tinh được coi là nơi duy nhất trên hành tinh không chịu tác động của tình trạng thay đổi khí hậu, vì một nghiên cứu từng khẳng định nhiệt độ ở Nam Cực giữ nguyên, thậm chí còn giảm đi ở một số nơi.
Colin Summerhayes cho biết, Pine Island, sông băng lớn nhất ở phía tây Nam Cực đang tiến về phía đại dương với tốc độ lớn hơn 40% so với thập niên 70. Trong quá trình di chuyển, băng tan chảy thành nước và lượng nước này lại càng đẩy nhanh tốc độ di chuyển. Sông băng khác ở phía tây Nam Cực có tên Smith cũng đang tiến ra đại dương với tốc độ lớn hơn 83% so với năm 1992.
Các sông băng đang tiến về phía đại dương với tốc độ lớn hơn vì các thềm băng - thứ duy nhất có thể ngăn chặn chúng - đang tan chảy. Nước thoát ra từ các sông băng chắc chắn sẽ làm tăng mực nước biển.
Theo Colin, nếu toàn bộ băng ở phía tây Nam Cực tan chảy, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng từ 0,9 tới 1,5 m vào cuối thế kỷ. Mức tăng này cao hơn nhiều so với dự đoán của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Trong khi đó những thềm băng có tác dụng ngăn chặn băng “chạy” ra biển cũng đang suy yếu.
Minh Long (theo AP)