Chiếc đèn giao thông thông minh có thể dùng tay điều khiển. |
Ông Vi Toàn Nghĩa sống ở quận Thanh Xuân, Hà Nội là tác giả của chiếc đèn giao thông tiết kiệm điện sử dụng năng lượng mặt trời mang tên GT-01TN. Người đàn ông 60 tuổi này cho biết, ông làm nghề chạy xe ôm nên thời gian đi trên đường rất nhiều. Vào những hôm mất điện, đèn giao thông không hoạt động, tình trạng ùn tắc kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ.
Từ thực tế trên, với kinh nghiệm là kỹ sư chế tạo máy từng học Đại học Bách Khoa năm 1980 và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, ông đã nghiên cứu chiếc đèn tín hiệu giao thông thông minh. Theo ông Nghĩa, chiếc đèn sẽ xóa bỏ mối lo cho người dân tại các ngã ba, ngã tư khi mất điện và giảm sức lao động cho cảnh sát giao thông.
"Hàng ngày chở khách đi trên đường, tôi hiểu cảnh đứng chờ hàng giờ đồng hồ vì tắc đường. Tôi thương tôi, thương người dân trên đường, thương cả các chú cảnh sát giao thông hàng ngày phải đứng phân luồng giao thông", ông Nghĩa nói.
Nếu mất điện, hoặc điện không ổn định, chiếc đèn thông minh sẽ tự chuyển sang chế độ chạy không cần dùng điện. Khi đó cảnh sát giao thông có thể dùng thiết bị điều khiển từ xa chứ không cần ra đường phân làn.
Ý tưởng của ông Nghĩa trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch cạn kiệt dần. Chiếc đèn chạy bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm tới 80% điện năng.
Xem video về chiếc đèn giao thông của bác xe ôm |
GT-01TN có thể tự chủ nguồn nguyên liệu, sử dụng ắc quy khô sạc điện, mỗi lần sạc có thể hoạt động tới 15 giờ. Chiều cao cột đèn có thể thay đổi cho phù hợp tầm nhìn của người giam gia giao thông. Nhờ sử dụng hệ thống đèn Led - loại đèn chiếu sáng bền và tiêu tồn ít điện, chiếc đèn giao thông do ông chế tạo có thể tiết kiệm đến 80% điện năng so với đèn thông thường.
"Nếu sử dụng 5 bóng đèn 100 W/h chiếu sáng liên tục thì chúng tiêu tốn khoảng 500 W/h; còn nếu dùng đèn Led thì chúng chỉ tiêu tốn 100 W/h cho cả 5 bóng sáng cùng lúc trong một giờ", ông Nghĩa nói.
Với chiếc đèn thông minh trên tại các ngã tư, người điều khiển giao thông có thể tự điều chỉnh thời gian tín hiệu đèn cho phù hợp với lượng phương tiện lưu thông mà không cần ấn định thời gian như các tín hiệu giao thông hiện nay. Ông Nghĩa cho hay, ông sẽ tặng loại đèn mới cho phòng cảnh sát giao thông Hà Nội để thử nghiệm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn tiết kiệm điện năng, đánh giá cao sản phẩm của ông Nghĩa và mong muốn nó trở thành một giải pháp hữu ích nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. "Với hệ thống đèn Led tuổi thọ cao, người điều khiển có thể bật tắt liên tục hàng nghìn lần trong 1 giây mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ của đèn, lại tiêu hao ít năng lượng", ông Khải nói.
"Tôi từng nghĩ ra đề tài trên, nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Làm được chiếc đèn giao thông thông minh như ông Nghĩa thật không dễ", ông Khải nói thêm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khó khăn lớn nhất là việc thay mới toàn bộ đèn giao thông hiện nay bởi cần nguồn kinh phí lớn. Theo ông Khải, giải pháp tối ưu là thay thế dần những đèn cũ bằng đèn mới.
Hương Thu