Discovery cho biết, diện tích băng ở Bắc Cực giảm xuống gần mức thấp nhất trong mùa hè năm nay. Tại đảo Greenland, nhiệt độ cao kỷ lục trong năm làm tăng tốc độ tan chảy của băng. Trên khắp Bắc Cực, tầng đất đóng băng vĩnh cửu đang ấm dần khiến diện tích băng ở trên bề mặt ngày càng thu hẹp. Các nhà khoa học của Cơ quan Hải dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng những biến đổi này sẽ còn kéo dài. “Không chỉ có băng tan chảy mà không khí và hệ sinh thái trên đảo Greenland cũng thay đổi. Những thay đổi đó tác động tới đời sống của con người”, Don Perovich, một chuyên gia về biển trong nhóm nghiên cứu của NOAA, phát biểu. Khi băng tan, nước biển tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời khiến nhiệt độ mặt nước tăng. Nhiệt độ mặt nước càng lớn thì băng lại tan càng nhanh. Vòng luẩn quẩn đó khiến diện tích của băng không thể phục hồi như ban đầu. Trước kia những cơn gió gần cực bắc của trái đất chỉ di chuyển trong phạm vi Bắc Cực. Khi nền nhiệt ở Bắc Cực tăng, quỹ đạo quen thuộc của chúng bị phá vỡ khiến nhiều khối khí lạnh tiến về phía nam. Do tác động của những khối khí đó, nhiều vùng ở bán cầu bắc trở nên lạnh hơn. Hiện tượng này giúp chúng ta giải thích tại sao tuyết phủ kín nhiều vùng của nước Mỹ dù người dân ở những vùng đó chưa từng chứng kiến hiện tượng tương tự trong quá khứ. “Loài người đang đối mặt với một nghịch lý về biến đổi khí hậu. Sự ấm lên và tình trạng suy giảm diện tích băng ở Bắc Cực không làm tăng nhiệt độ ở mọi nơi trên địa cầu, mà lại làm giảm nhiệt độ ở những vùng thuộc vĩ độ thấp, khiến mùa đông ở bán cầu bắc trở nên lạnh hơn”, nhóm nghiên cứu kết luận. Minh Long
Hình ảnh băng ở Bắc Cực do vệ tinh chụp. Ảnh: NASA.