Ấm rượu 2.000 năm tuổi (ở giữa) được dùng để cúng tế. Ảnh: Xinhua. |
Chiếc ấm đựng rượu là một vật cúng tế, nằm lẫn trong 260 đồ tạo tác khai quật từ ngôi mộ của một người dân bình thường dưới thời nhà Tần (năm 221 - 207 trước Công nguyên). Phần lớn các đồ vật này được dùng cho nghi thức thờ cúng, Xinhua hôm qua đưa tin.
Hứa Vệ Hồng, nhà nghiên cứu ở Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, cho biết 300 ml rượu còn sót lại trong chiếc ấm có vòi được nút kín bằng sợi tự nhiên. Chất lỏng trong ấm có màu trắng sữa ngả vàng. Nhóm nghiên cứu cho rằng rượu được làm bằng phương pháp lên men do chứa thành phần axit glutamic.
Rượu trong ấm có màu trắng sữa ngả vàng. Ảnh: Xinhua. |
Một phát hiện đáng chú ý khác là thanh kiếm đồng dài 60 cm. Thanh kiếm có thiết kế hình 8 mặt ở giữa, làm tăng độ sát thương của vũ khí. Ở mép kiếm cũng có nhiều vết cắt, chứng tỏ nó từng được dùng để chiến đấu.
Các nhà nghiên cứu đang phân tích mẫu rượu để hiểu rõ hơn về kỹ thuật ủ rượu và văn hóa uống rượu ở Hàm Dương, kinh đô của nước Tần cổ đại. Loại rượu lâu đời nhất thế giới được tìm thấy ở làng Giả Hồ thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đó là một loại rượu nếp mật ong ra đời vào khoảng năm 7.000 trước Công nguyên. Kết quả phân tích hé lộ mẫu rượu được làm từ gạo lên men, nho, mật ong và quả mọng.
Phương Hoa