|
Ảnh minh họa: blogspot.com. |
AFP đưa tin các nhà nghiên cứu của Đại học McGill tại Canada tuyển 8 tình nguyện viên trong độ tuổi 19-24 để thực hiện một nghiên cứu liên quan tới âm nhạc. Những người này được chọn trong số 217 người đăng ký vì họ thực sự đạt tới trạng thái ngây ngất khi nghe bản nhạc có giai điệu vui nhộn mà họ yêu thích.
Các chuyên gia dùng máy chụp cắt lớp bức xạ positron để theo dõi não của tình nguyện viên trong lúc họ nghe bản nhạc yêu thích. Họ cũng gắn các cảm biến lên cơ thể tình nguyện viên để theo dõi nhịp tim, nhiệt độ, nhịp thở và độ dẫn điện của da.
Chụp cắt lớp bức xạ positron là một kỹ thuật mới của ngành y học hạt nhân, trong đó máy sử dụng các hạt phát positron để định vị khối u và một số bệnh lý phức tạp khác. Máy cũng có thể phát hiện raclopride, thụ thể của dopamine trong tế bào não.
Kết quả cho thấy nhiều hoạt động thể chất diễn ra trong cơ thể tình nguyện viên khi họ nghe bản nhạc ưa thích có giai điệu rộn ràng, đồng thời não giải phóng dopamine khi họ rơi vào trạng thái ngây ngất. Nhưng ngay cả khi họ chưa đạt tới trạng thái ngây ngất thì não vẫn tiết ra dopamine.
Tuy nhiên, dopamine không được giải phóng khi nhóm người tình nguyện nghe những bản nhạc trung tính (không rộn ràng nhưng cũng không buồn). Nhiều thử nghiệm trước đây cho thấy những bản nhạc như thế khiến cảm giác hưng phấn giảm.
Giới khoa học coi dopamine là loại hóa chất cần thiết đối với sự sinh tồn của con người. Nó khiến chúng ta cảm thấy sung sướng khi thực hiện những hành động cơ bản trong cuộc sống như ăn, uống, sưởi ấm. Khi con người được thưởng tiền, nói chuyện với người yêu hay sử dụng ma túy, dopamine cũng xuất hiện trong não. Nhưng âm nhạc là một thứ trừu tượng, không cần thiết đối với sự sinh tồn và cũng chẳng quan trọng như tiền hay tình yêu.
Nhóm nghiên cứu cho rằng âm nhạc tồn tại trong mọi nền văn hóa, từ thế hệ này sang thế hệ khác do nó mang đến nhiều trạng thái tâm lý – như kỳ vọng, thỏa mãn, chờ đợi, căng thẳng, ngạc nhiên, hưng phấn.
Minh Long