'5-10 năm tới công nghệ deep learning sẽ giúp chọn giống cây tốt'

 Thông tin được GS.TS Henry Nguyen, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học tại Đại học Công nghệ Texas và Trung tâm Công nghệ Sinh học Đậu nành Quốc gia tại Đại học Missouri, chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về nông nghiệp hiệu quả cao tại Việt Nam năm 2022 diễn ra ngày 8/5. Theo ông, những chuyện 20 năm trước không làm được, giờ đây hoàn toàn có thể.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp và quỹ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ về gene được sử dụng phát triển giống cây trồng, GS Henry cho biết, trước đây các chính phủ tập trung vấn đề an ninh thực phẩm, sản lượng, tăng năng suất, song hiện chất lượng là điều quan trọng. Ở quốc gia có sự phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ, việc tạo giống cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt được chú trọng. "Công nghệ lai tạo giống giúp tạo giống phát triển nhanh, thậm chí giúp rút ngắn một nửa thời gian và đưa ra sản phẩm tốt", ông nói.

Ông dẫn ví dụ về công nghệ chỉnh sửa gene, "chỉ cần một thay đổi kết cấu DNA chuyển hóa đặc thù giúp tăng trưởng năng suất, có thể làm một cách rất nhanh mà không cần chuyển đổi dòng này sang dòng khác". Trước đây, để lai tạo giống cần cấy gene từ cây này sang cây khác, điều cũng gây ra tranh cãi về vấn đề an toàn. Nhưng công nghệ mới giúp sửa gene nhanh ngay trên cây trồng.

"Cùng công nghệ giải mã, bản đồ di truyền, những bản đồ mật mã của các giống cây trồng như cà phê, lúa bắp, đậu nành, khoai tây giúp người dân biết khi nào nên trồng cây gì, chuyển lựa gene nào có năng suất cao", GS Henry nói.

Ông nhận định chỉ trong vòng 5-10 năm, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ tri thức trong tương lai khi giống thay đổi hữu hiệu. Việc sử dụng công nghệ mới sẽ giúp làm rất nhanh, như sử dụng bigdata, deep learning giúp chọn dòng bố mẹ tốt, các loại drone đánh giá cây con và công nghệ phòng lab tạo giống tốt giúp chuyển lựa gene.

Ngô biến đổi gene được trồng ở xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt vấn đề, ngành nông nghiệp cần hòa nhịp và tích hợp giá trị cách mạng 4.0 bằng nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh.

Ông thẳng thắn nhìn nhận tài nguyên nông nghiệp là hữu hạn khi chuyển giao cho ngành công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng chuyển đổi. Đồng thời, việc khai thác tài nguyên thái quá cũng ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu, làm mất đa dạng sinh học và sản phẩm không tiếp cận xu thế tiêu dùng xanh. Bởi vậy nền nông nghiệp chạy theo sản lượng không còn bền vững. Chiến lược hiện nay không còn đóng khung mục tiêu năng suất, sản lượng mà là chiến lược mở trong từng giai đoạn, tiếp cận chuẩn mực thị trường, lấy xu thế thị trường để quyết định sản xuất nông nghiệp.

Ông cho biết, ở thời đại số có nhiều kênh giao lưu giúp làm giàu trí tuệ và tạo chiến lược giúp người nông dân, nông thôn tiếp cận xu thế toàn cầu. Trong đó có việc tri thức hóa, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp và tiếp cận giá trị mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh nguồn lực hữu hình, cách tiếp cận đặc biệt quan tâm tới là nguồn lực vô hình: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. "Đây là nguồn lực thiết thực trong bối cảnh của Việt Nam, là cơ sở để chuyển hóa sáng kiến, hiện thực hóa chiến lược nông nghiệp nông thôn", ông nói.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nhận định nhu cầu cải tiến công nghệ, đổi mới giống cây trồng, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật là rất lớn. Trong đó việc bố trí các nguồn đầu tư công, nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại được ưu tiên, đồng thời chú trọng vào trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để dẫn dắt phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông đánh giá cao tính kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia và chủ đề hội thảo nông nghiệp thông minh với các giải pháp cải tiến giống cây trồng và công nghệ bảo quản nông sản rất thiết thực.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra đầu bài cần sự tham gia góp ý các chuyên gia trong nước và quốc tế, đó là dự án trung tâm phát triển nông nghiệp sáng tạo, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng nông sản Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia bàn luận về công nghệ mới giúp cải tiến giống cây trồng như hiện trạng trồng bơ tại Việt Nam, hay công nghệ bảo quản nông sản để đạt được cây trồng năng suất cao phục vụ xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ các địa phương tìm ra các giải pháp nâng cao năng suất cây trồng phục vụ xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy trao đổi và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hội thảo do Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (NIC AU), dưới sự bảo trợ của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tổ chức.

Như Quỳnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
52240
Số người truy cập:
8571960