Vì sao văn bản thiếu tính pháp lý vẫn qua được bao nhiêu 'cửa'?

 Ngày 17/5, tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định trong xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đánh giá chương trình xây dựng luật và pháp lệnh vẫn còn thiếu tính khả thi. Chất lượng thẩm định các văn bản của Bộ Tư pháp chưa đạt được yêu cầu đặt ra.

Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho hay từ năm 2016 đến hết tháng 4/2018 Bộ Tư pháp thẩm định được hơn 700 dự án đề nghị xây dựng văn bản. Tuy nhiên, việc thẩm định mới chỉ chuyên về tính hợp hiến, hợp pháp chứ chưa "đong đếm" được tính khả thi của chính sách sau khi ban hành văn bản. Ông Tuyến cho rằng một trong những nguyên nhân chính là do "tâm lý nể nang, ngại động chạm". 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mạnh (đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ) nêu thực tế rằng thời gian qua khi lấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội về các dự án luật thì lại "thiếu vắng sự đại diện của bộ phận thẩm định Bộ Tư pháp”. Theo ông Mạnh, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nêu rõ việc có mặt của bộ phận thẩm định là bắt buộc.

Một thực trạng khác khiến ông Mạnh băn khoăn là dự thảo luật có tính quy phạm thấp “mà vẫn qua được bao nhiêu cửa thẩm tra thẩm định để trình lên Quốc hội”. Ông Mạnh cho rằng nguyên nhân do sự “thiếu kiên quyết” và đề nghị cần tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác thẩm tra, thẩm định.

Thẩm định văn bản luật như 'cuộc chạy tiếp sức'

Nêu khó khăn, vướng mắc để cùng ‘tháo gỡ’, thiếu tướng Nguyễn Xuân Toản (Phó Cục trưởng Cục pháp chế Bộ Công an) cho hay Bộ này được yêu cầu xây dựng dự án Luật Công an nhân dân trong thời gian rất ngắn nên phải "làm đêm làm ngày". 

Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhìn nhận công tác thẩm định văn bản luật những năm gần đây "như một cuộc chạy tiếp sức, lỡ một bước thôi là chậm tiến độ”. 

Chia sẻ với tinh thần "không né tránh", Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay có lúc Bộ Tư pháp cũng phải "chạy nước rút" trong tình trạng thứ 6 họp thẩm định, thứ 7, chủ nhật đóng dấu để thứ hai trình Chính phủ họp.

Theo ông Long cần làm rõ câu chuyện "tại sao lại để xảy ra tình trạng như thế?". "Chúng ta đã làm hết trách nhiệm chưa, tiên trách kỷ hậu trách nhân. Nếu chưa “chín” thì đừng "đẩy vào" để rồi cả Chính phủ cũng khổ”, người đứng đầu Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Hà Nguyên


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11237
Số người truy cập:
9006624